Bóng nước (Water polo)- môn thể thao thú vị

Tháng Bảy 18 03:49 2012

Bạn có thích ngâm mình trong nước và chơi thể thao với bóng không? Nếu bạn thích, hãy cùng trải nghiệm môn bóng nước này nhé!

Bóng nước là một sự kết hợp hoàn hảo của môn thể thao bơi lội và ném bóng. Cũng như bóng đá, bóng chuyền, bóng nước là loại hình thể thao mang tính đồng đội cao và rất tốt cho sức khỏe, giúp tăng cường tuần hoàn máu và trao đổi chất trong cơ thể. Người chơi bóng nước có thể vận động tăng dung tích chứa khí của lá phổi lên đến 9 lít, trong khi một người “bình thường” chỉ chứa từ 4 đến 5 lít.

Lịch sử của môn bóng nước

Người ta bắt đầu ghi chép về Bóng nước vào năm 1869 tại Anh Quốc. Môn thể thao này phát triển như một loại “bóng nước bầu dục”, thường được chơi tại các con sông và hồ ở Anh. Quả bóng da được đem về từ Ấn Độ có tên là “pulu” – có lẽ vì thế mà môn thể thao mang tên “water polo”. Vào thời điểm đó, người ta dùng cờ để đánh dấu khung thành và các thủ môn thậm chí còn có thể sử dụng một chiếc thuyền chèo.

Đến năm 1900, bóng nước polo trở thành một môn thể thao Olympic và cũng là môn thi đấu đồng đội có tuổi đời dài nhất trong Thế vận hội. Đức là nước tham gia thi đấu môn bóng này lâu đời nhất, nhưng mãi đến Olympic Amsterdam năm 1928, Đức mới đoạt cúp vàng. Hungary là nước thành công nhất với môn bóng nước Polo trong nhiều thập kỷ sở hữu ngôi sao Deszo Gyarmati – cầu thủ bóng nước polo thành công nhất mọi thời đại. Trong 5 kỳ Thế vận hội, cầu thủ này giành được bốn huy chương vàng và một huy chương bạc.

Tại thế vận hội Athens năm 2004, đội Đức cũng đã chơi rất thành công và xếp vị trí thứ 5.

Luật chơi bóng nước

Mỗi đội có 13 cầu thủ, 6 người dự bị, 7 người chơi dưới nước (bao gồm cả thủ môn). Sau khi có tỉ số, 6 cầu thủ dưới nước được phép thay người. Cầu thủ hai đội đội mũ khác màu để dễ phân biệt. Thủ môn đội mũ màu đỏ và là người duy nhất được phép sử dụng cả hai tay cùng một lúc để bắt bóng, các cầu thủ khác chỉ được sử dụng 1 tay. Các mũ bảo hộ được trang bị bọc nhựa ở tai nhằm ngăn chặn tổn thương màng nhĩ trong trường hợp bị ném bóng vào tai.

Luật chơi chỉ cho phép cầu thủ giữ bóng không quá 35 giây; quả bóng phải được chuyền cho người khác trước khi ghi bàn. Cầu thủ được phép đưa bóng vào khung thành bằng bất kỳ bộ phận nào của cơ thể ngoại trừ nắm tay. Các cầu thủ chơi phạm lỗi giữ bóng bằng hai tay hay dìm nước đối thủ đều bị phạt đền ném bóng tự do vào khung thành từ khoảng cách 4m. Khu vực sân bóng nước ở các giải thi đấu quốc tế có diện tích 30m x 20m đối với nam và 25m x 17 m dành cho nữ và hồ phải sâu ít nhất 1,80m. Độ sâu này đảm bảo người chơi không chạm chân đáy hồ, bởi theo luật chơi, họ phải bơi hoặc đứng nước khi chơi bóng. Cầu môn rộng 3m và cao 0,9m so với mặt nước.

Trận đấu thường kéo dài khoảng một giờ, bao gồm giờ giải lao và thời gian chết. Mỗi trận đấu được chia làm 4 hiệp, mỗi hiệp 7 phút. Trọng tài sẽ bấm giờ. Quả bóng dùng trong các trận đấu của nam có chu vi từ 68cm – 71cm và nặng 450g.

Các giải đấu bóng nước quan trọng là giải vô địch thế giới ở Montreal (Canada) năm 2005 và giải vô địch Châu Âu năm 2006 tại Belgrade (thủ đô của Serbia và Montenegro).
Nếu bạn muốn chơi bóng nước trong hồ bơi riêng của bạn, rất dễ dàng. Cùng vài người bạn lập thành 2 đội bóng có thủ môn và trọng tài; và chỉ thế thôi!.  Những món duy nhất bạn cần là hai khung thành và một quả bóng, tất cả đều có thể được mua được từ bất kỳ cửa hàng thể thao nào… Và nếu không biết bơi, bạn lại chơi phao vậy!

[Để xem các bài viết khác có cùng chủ đề “Thư giãn với nước”, vui lòng nhấn vào đây]

 

(Theo Bayrol)

 

Bình luận hay chia sẻ thông tin
  Từ khóa của bài viết:
  Chủ đề của bài viết: