Đồ gỗ: Lúng túng ở thị trường nội địa

Tháng Mười Một 23 03:56 2014

Với doanh thu xuất khẩu năm nay ước đạt 4 tỉ USD, doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng được nhu cầu của các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, châu Âu; trong khi thị trường nội địa cũng đạt đến quy mô 3 tỉ USD nhưng các doanh nghiệp vẫn lúng túng trong tiếp cận và khai thác.

Đồ gỗ Việt Nam hiện xuất khẩu đến khoảng 120 thị trường trên toàn cầu, trong đó hai thị trường Mỹ và EU đã chiếm đến 80% kim ngạch xuất khẩu với doanh thu năm 2011 hơn 3,9 tỉ USD.

w620h405f1c1-files-articles-2012-1069374-goDoanh nghiệp sản xuất thừa nhận họ chưa nắm bắt được nhu cầu tiêu dùng của khách hàng nội địa nên Việt Nam phải nhập khẩu 2,4 tỉ USD đồ gỗ

Tuy nhiên, trong doanh thu nội địa thì chỉ 20% doanh số thuộc về sản phẩm của doanh nghiệp trong nước, 80% doanh số từ sản phẩm nhập khẩu.

Trung tâm Nghiên cứu các ngành công nghiệp (CSIL) của Ý trong chuyên đề World Furniture Outlook 2011 đã xếp hạng sản xuất đồ nội thất Việt Nam thứ 12 trong 70 quốc gia có xếp hạng; thị trường tiêu dùng nội địa thứ 22/70 và xuất khẩu thứ 6/70.

Xếp hạng này theo giá trị thị trường năm 2009 với doanh thu các mảng này lần lượt là 5,17 tỉ, 2,23 tỉ và 3,12 tỉ USD. Ước tính quy mô của hai thị trường xuất khẩu và tiêu thụ nội địa đạt 7 tỉ USD năm nay.

Tìm đường quay về
Thị trường thật, đa dạng từ hàng Trung Quốc cho tới hàng cao cấp của Ý và sẵn sàng chi tiêu, nhưng khó khăn do đâu? Vì sao các doanh nghiệp chưa thể tận dụng được thế mạnh xuất khẩu để phát triển ở thị trường nội địa?

Kiến trúc sư (KTS) Nguyễn Trường Lưu, Phó chủ tịch hội Kiến trúc sư TP.HCM, cho rằng khoảng trống hiện nay rất rõ do thiếu sự hợp tác giữa các nhà sản xuất và nhà thiết kế.

Thị trường nhà ở vốn đóng góp 90% nhu cầu của thị trường nội thất nhưng doanh nghiệp chưa nắm bắt được nhu cầu tiêu dùng để đưa ra xu hướng thiết kế phù hợp với không gian nội thất.

Bên cạnh đó, các nhà xuất khẩu vốn theo dây chuyền sản xuất hàng loạt, sẽ gặp thách thức phải thay đổi theo mô hình sản xuất đồ lẻ. “Cần thích nghi về mặt sản xuất cùng với ý thức hợp tác để phát triển và định hướng thị trường. Tại sao sản phẩm xuất khẩu sang Mỹ với châu Âu chấp nhận mà thị trường trong nước không trụ được”, KTS Lưu nói.

Chủ tịch hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) Nguyễn Chiến Thắng cho rằng, ý tưởng liên kết từ nhiều năm trước nhưng sự hợp tác chưa có chiều sâu.

Khi nào dân chúng nghĩ rằng đến hội chợ là để biết được xu hướng tiêu dùng hàng nội thất thì mới thuyết phục được thị trường. Các nhà nhập khẩu đòi hỏi đối tác sản xuất phải thay đổi đến vài trăm mẫu thiết kế hàng năm, thời gian sản xuất có khi chỉ 1 – 2 tuần, số lượng có thể từ 1 – 2 cái đến hàng trăm cái nhưng doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam vẫn đáp ứng được.

“Tại sao chúng ta không đưa được mô hình đó vào thị trường nội địa”, ông Thắng băn khoăn và cho rằng “Phải gắn nhà sản xuất, kiến trúc sư và các nhà phân phối thương mại”.

Chèo chống với cái khó
Ông Điền Quang Hiệp, chủ tịch công ty Mifaco, cho biết, doanh nghiệp có doanh thu xuất khẩu 250 tỉ mỗi năm này mới quan tâm thị trường nội địa từ ba năm nay.

Theo ông Hiệp, doanh nghiệp phải thận trọng để tìm ra cách đi phù hợp bởi thị trường trong nước tính chuyên nghiệp chưa cao, thường “chạy loạn” gấp rút theo thời gian lại dễ thay đổi.

Trong khi là nhà xuất khẩu, sản xuất cho ai cũng phải theo nguyên tắc chuẩn bị kỹ lưỡng, đến ngày sản xuất là chỉ lo làm đạt chất lượng và đúng thời gian giao hàng. Do chưa kết hợp các bên nên hiện một doanh nghiệp thường làm từ A-Z nhưng về lâu dài họ sẽ chọn sở trường để tham gia vào chuỗi.

Ông Hiệp nói: “Hiện đã xuất hiện các nhà bán lẻ chuyên nghiệp để có thể giảm chi phí, khi thị trường đủ lớn, mỗi bộ phận đi vào đúng chuyên môn thì sẽ phát huy thế mạnh của toàn thị trường”.

KTS Hồ Lê Phương cho rằng, rất khó cho doanh nghiệp đồ gỗ nội thất chen chân vào thị trường nhà ở tại Việt Nam. Ông Phương cho rằng, nhiều công ty ra đời từ lần khủng hoảng kinh tế trước hiện quay lại cũng do khủng hoảng.

Xét về năng lực, họ còn gặp khó khăn trong khâu bán hàng bởi sản phẩm xuất khẩu đã tuân theo quy trình sản xuất chuẩn và kèm theo đó là chuẩn về giá, khâu thị trường đã có người khác quyết định.

Nếu vào thị trường nội địa họ lúng túng trong đánh giá nhu cầu, thận trọng ở cả bộ phận thiết kế, đánh giá mẫu mã và khả năng thương mại. Một nhà sản xuất phải đầu tư cho thiết kế, nghiên cứu thị trường và cả kênh bán bán lẻ có thể bị quá sức.

“Khâu bán lẻ lại càng khó vì thị trường thiếu đội ngũ bán hàng nội thất chuyên nghiệp có thể tư vấn được cho người dùng. Trên 90% doanh nghiệp đã bị gãy ở khâu này”, ông Phương góp ý.

Ông Nguyễn Thanh Bình, chủ tịch công ty Nguyễn Thanh, thừa nhận tuy khó thâm nhập ở “sân nhà” nhưng cũng có nhiều cách. Cách đầu tiên hiện nay là tận dụng kinh nghiệm về xuất khẩu với mẫu mã đa dạng, giá thành thấp để đưa hàng vào thị trường nội địa.

“Khi xuất khẩu đã có giá thành tốt rồi, có dữ liệu sản phẩm và thị trường doanh nghiệp sẽ có cách riêng để tham gia thị trường nội địa”, ông Bình nói.

Tương tự, KTS Nguyễn Chánh Phương (công ty Danh Mộc) phân tích, cách đây mười năm chỉ có cửa hàng đồ nội thất của Nhà Xinh nhưng hiện đã hình thành những con phố chuyên về hàng nội thất. Chuỗi xuất khẩu sẽ dễ hơn vì đã hình thành các nhu cầu về chủng loại sản phẩm, chất lượng, giá thành, vô cửa hàng nào, nhà cung cấp nào…

Thị trường hiện nay còn khó nhưng chắc chắn sẽ đến lúc phát triển chuyên nghiệp, khoảng chừng mười năm tới sẽ thay đổi mạnh, vì thế phải chuẩn bị. “Mình làm thì quả thật rất khó, đòi hỏi cách tổ chức hiện đại. Nhưng khó cũng phải làm và phải bắt đầu từ cái nhỏ”, ông Phương nói.

[Để xem các bài viết khác có cùng chủ đề “Kênh phân phối nội địa”, vui lòng nhấn vào đây]

 


(Theo Báo Doanh nhân Sài Gòn – 9/11/2014)

Bình luận hay chia sẻ thông tin
  Từ khóa của bài viết:
  Chủ đề của bài viết: