Đồ gỗ Việt quyết giữ sân nhà

Tháng Mười Hai 04 03:56 2014

Sau một thời gian dài chỉ tập trung xuất khẩu, các doanh nghiệp chế biến đồ gỗ đang quay về với thị trường trong nước. Quyết tâm giữ vững “sân nhà” trước sức cạnh tranh mạnh mẽ của những sản phẩm đồ gỗ nội ngoại thất của các doanh nghiệp ngoại.

Từ đầu năm 2014 cho đến nay, thị trường bất động sản Việt Nam đã có những chuyển biến rất tích cực. Sự ấm lên của bất động sản với hàng loạt dự án, công trình được xây dựng đã đặt ra nhu cầu rất lớn về các sản phẩm đồ gỗ, trang trí nội thất. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến gỗ Việt, khai thác triệt để tiềm năng của thị trường nội địa.

Tận dụng lợi thế

Phát biểu tại lễ khai mạc Hội chợ “Đồ gỗ và Trang trí nội thất Việt Nam 2014 – VIFA Home 2014”, ông Lê Văn Khoa, giám đốc sở Công thương TP HCM nhận định, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng ngành thủ công mỹ nghệ và chế biến gỗ vẫn đang phát triển tích cực. Cụ thể kim nghạch xuất khẩu đồ gỗ năm 2013 tăng 19,2% so với năm 2012. Trong 9 tháng đầu năm 2014 tăng 14,4% so với cùng kì năm 2013. Kim ngạch xuất khẩu mỹ nghệ năm 2013 tăng 7% so với năm 2012.

Ông Khoa cho biết thêm, giá trị sản xuất ngành xây dựng đầu năm 2014 tăng 5,3% so với cùng kì năm ngoái, cộng thêm sức tăng nhẹ trong thị trường tiêu dùng. Đây chính là cơ hội để các doanh nghiệp nội thất an tâm phát triển thị trường trong nước.

Ông Trần Ngọc Thành, chủ doanh nghiệp tư nhân Kiến Phúc cho biết, so với các sản phẫm gỗ nhập khẩu từ Đài Loan, Trung Quốc, Singapore… thì đồ gỗ Việt không hề thua kém về chất lượng và mẫu mã. Mặt khác, đồ gỗ Việt có thế mạnh hơn bởi phù hợp với văn hóa, thẫm mỹ, và tạo cảm giác gần gũi với khách hàng.

do-go-Viet-quyet-giu-san-nha_01Doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ ngày càng chú trọng thị trường trong nước. Ảnh: Nguyên Mạnh.

Theo ông Nguyễn Tiến Trương, giám đốc công ty phân phố nội thất VietMay Depot, chất lượng cuộc sống của người dân Việt Nam đang được nâng cao. Ai cũng muốn được sử dụng những vật dụng nội thất, trang trí đẹp, chất lượng trong ngôi nhà. Hiện nay, khách hàng có xu hướng lựa chọn đồ gỗ được sản xuất từ nội địa nhiều hơn là nhập khẩu.

Chị Nguyễn Ngọc Linh, khách tham quan tại hội chợ đồ gỗ cho biết, người Việt luôn ưu tiên dùng hàng Việt. Nếu các sản phẩm của doanh nghiệp nội có mẫu mã đẹp, chất lượng, giá cả cạnh tranh thì  luôn được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn.

Phải cạnh tranh trên sân nhà

Ông Huỳnh Văn Hạnh, phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến đồ gỗ TP HCM (Hawa) cho biết, mặc dù xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam khá tốt nhưng tại thị trường nội địa đang vấp phải sự cạnh tranh rất quyết liệt từ các sản phẩm nước ngoài. Đặc biệt là từ Trung Quốc, Đài Loan…

Theo ông Hạnh, khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp Việt hiên nay nằm ở hệ thống phân phối. Tuy có nhiều doanh nghiệp cùng hoạt động trong lĩnh vực sản xuất đồ gỗ nhưng vẫn còn rời rạc, chưa thống nhất, gắn bó. Nếu các doanh nghiệp liên kết lại với nhau,  thành một khối để tạo nên một mạng lưới phân phối toàn quốc thì dễ dàng đưa sản phẩm tiếp cận với người tiêu dùng hơn.

do-go-Viet-quyet-giu-san-nha_02Doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ cải tiến để nâng cao khả năng cạnh tranh khi hội nhập. Ảnh: Nguyên Mạnh.

Ông Nguyễn Tiến Trương, chia sẻ thêm những khó khăn khác như: nguồn gỗ nguyên liệu hiện tại ở Việt Nam đã cạn kiệt, nhiều doanh nghiệp phải nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ nước ngoài. Quy trình sản xuất, máy móc lạc hậu so với thế giới, năng suất lao động chưa cao. Đặc biệt khâu thiết kế, sáng tạo mẫu mã cần phải được cải tiến nhiều hơn nữa.

Năm 2015, Việt Nam và các nước trong ASEAN sẽ trở thành một cộng đồng kinh tế chung. Như vậy thuế suất từ các nước trong khối ASEAN sẽ bằng 0. Đây sẽ là cơ hội, nhưng cũng là một thách thức không nhỏ cho các doanh nghiệp đồ gỗ trong nước.

Ông Trần Ngọc Thành cho biết, doanh nghiệp đã chuẩn bị từ nhiều năm trước để vững vàng khi hội nhập. Cụ thể là cải tiến mẫu mã đa dạng, nâng cao chất lượng, trang bị máy móc, giảm giá thành. “thị trường trong nước trước nay bị bỏ ngõ cho các doanh nghiệp nước ngoài, nay chúng tôi đảm bảo sẽ tạo ra được nhiều sản phẩm có mẫu mã, chất lượng hơn hàng quốc tế”, ông Thành tự tin.

Để tạo điều kiện cạnh tranh công bằng, ông Huỳnh Văn Hạnh kiến nghị, các cơ quan chức năng cần thiết lập những tiêu chuẩn khi hội nhập. Chẳng hạn đối với những sản phẩm gỗ nhập vào Việt Nam cần chứng minh được nguồn gốc gỗ hợp pháp, các loại keo, phụ phẩm dùng trong sản xuất phải an toàn, không ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Mặt khác, các doanh nghiệp Việt cũng cần chủ động giới thiệu mẫu mã, đem sản phẩm của mình ra giới thiệu với người tiêu dùng trong khu vực.

Đánh giá tiềm năng của ngành sản xuất đồ gỗ Việt Nam, ông Hạnh cho biết, trong quy mô 350 tỷ USD của ngành đồ gỗ thế giới, Việt Nam mới chỉ chiếm 2,64%. Hiện nay, những nước xuất khẩu đồ gỗ nhiều như Ý, Đức, Canada… đang gặp phải nhiều khó khăn do tình hình suy thoái kinh tế, thậm chí nhiều doanh nghiệp đã phải đóng cửa. Tại châu Á, các sản phẩm gỗ của Trung Quốc cũng đang gặp bất lợi do bị Mỹ kiện bán phá giá. Do đó, nếu các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất được những sản phẩm đảm bảo đúng tiêu chuẩn, chất lượng, thì cơ hội và tiềm năng là rất lớn.

[Để xem các bài viết khác có cùng chủ đề “Kênh phân phối nội địa”, vui lòng nhấn vào đây]

 

(Theo tinhnhanhdiaoc – 08/11/2014)

Bình luận hay chia sẻ thông tin
  Từ khóa của bài viết:
  Chủ đề của bài viết: