Đồ gỗ Việt sắp đối mặt cạnh tranh khốc liệt

Tháng Mười Một 25 03:56 2014

Theo ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (Hawa), thị trường đồ gỗ nội địa sẽ cạnh tranh khốc liệt hơn kể từ năm 2015, khi các nước trong khối sẽ cùng tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN.

Theo ước tính của một tổ chức nghiên cứu thị trường của Ý thực hiện khảo sát tiêu thụ đồ gỗ của Việt Nam đạt đỉnh cao vào năm 2009 với giá trị 2,7 tỉ đô la Mỹ, trong khi giá trị xuất khẩu của năm 2012 đạt 4,7 tỉ đô la Mỹ. 

Cũng theo ông Hạnh, ở Việt Nam hiện nay đang có hiện tượng nhà phân phối đồ gỗ, trang trí nội thất của Thái Lan “lặng lẽ” đi mua lại mặt bằng, cơ sở vật chất của các cơ sở nhỏ trong nước để mở rộng mạng lưới.

Ông có thể cho biết đâu là những thách thức đang chờ đón các doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ Việt Nam khi tham gia sân chơi của Cộng đồng kinh tế ASEAN từ năm 2015?

Từ năm 2015, thuế suất trong khối ASEAN sẽ giảm về từ 0-5%. Nếu không có chiến lược hợp lý, các doanh nghiệp Việt Nam có thể mất ngay cả thị trường nội địa. Hàng hóa nhập khẩu không thuế sẽ kích thích tiêu dùng các sản phẩm nói trên. Khi đó bất kỳ món đồ gỗ nào được nhập khẩu cũng sẽ trở nên “hấp dẫn” đối với người tiêu dùng.

Các doanh nghiệp trong nước cần chuẩn bị kế hoạch dài hạn, gia tăng chất lượng sản phẩm, dịch vụ hỗ trợ khách hàng, để khẳng định tên tuổi của doanh nghiệp ở thị trường trong nước.

Ông có thể nói rõ hơn về những đối thủ của các doanh nghiệp trong nước?

Doanh nghiệp các nước khác đang tích cực chuẩn bị cho hội nhập. Ví dụ ngành chế biến xuất khẩu gỗ của Malaysia đã đặt ra mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu đạt 17 tỉ đô la Mỹ vào năm 2020. Malaysia đã từng là quốc gia dẫn đầu về xuất khẩu gỗ của khu vực Đông Nam Á, nhưng nhiều năm gần đây nước này đã tạm “nhường” vị thế dẫn đầu lại cho Việt Nam. Tuy nhiên, với nguồn tài nguyên sẵn có và cơ sở vật chất đầy đủ, đặc biệt là chiến lược cùng mục tiêu hành động rõ ràng, họ nhiều khả năng sẽ trở thành một đối thủ đáng gờm của các doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ trong nước.

Bên cạnh đó các doanh nghiệp đến từ Thái Lan cũng có thể gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam. Họ đã có những bước đi khá căn cơ và bài bản chuẩn bị cho hội nhập, và nhìn vào những sự chuẩn bị đó chúng tôi không khỏi e ngại. Họ thậm chí còn đưa cả ngôn ngữ của các nước ASEAN vào giảng dạy trong nhà trường sau khi nhận thấy một trong những đòi hỏi quan trọng nhất khi tham gia sân chơi lớn đó chính là ngoại ngữ.

Ở Việt Nam hiện nay đang có hiện tượng nhà phân phối đồ gỗ, trang trí nội thất của Thái Lan “lặng lẽ” đi mua lại mặt bằng, cơ sở vật chất của các cơ sở nhỏ trong nước để mở rộng mạng lưới. Nếu doanh nghiệp Việt Nam không nhanh chóng hành động, chúng ta sẽ gặp bất lợi lớn.

Do-go-Viet-doi-mat-voi-canh-tranh-khoc-liet_01Doanh nghiệp trong nước tất nhiên phải am hiểu thị trường hơn các doanh nghiệp nước ngoài?

Từ nhiều năm qua đã có việc các doanh nghiệp nước ngoài nói chung và trong khối ASEAN nói riêng xây dựng nhà máy chế biến gỗ rồi đưa sản phẩm ra thị trường tiêu thụ nên họ cũng khá am hiểu về thị trường.

Vài năm trước các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ đã có nhiều dự án quay trở lại thị trường nội địa sau khi bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế thế giới. Đến nay những dự án đó đã đến đâu thưa ông?

Đây không phải là thời điểm thuận lợi cho mở rộng kinh doanh đồ gỗ nội địa. Từ năm ngoái đến nay các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nội địa gặp rất nhiều khó khăn khi hệ thống phân phối chưa thể mở rộng còn cửa hàng bán lẻ mới ra cũng nhanh chóng đóng cửa. Bản thân công ty của hiệp hội là Công ty Thủ công mỹ nghệ gỗ Liên Minh muốn mở một trung tâm phân phối sản phẩm của chính các doanh nghiệp thành viên nhưng cũng chưa thể thực hiện được vì điều kiện thị trường chưa cho phép.

Theo ước tính của một tổ chức nghiên cứu thị trường của Ý thực hiện khảo sát tiêu thụ đồ gỗ của Việt Nam đạt đỉnh cao vào năm 2009 với giá trị 2,7 tỉ đô la Mỹ, trong khi giá trị xuất khẩu của năm 2012 đạt 4,7 tỉ đô la Mỹ. Nhưng tiêu thụ nội địa đã giảm dần kể từ giai đoạn đỉnh cao đó và đến nay ước tính chỉ còn tương đương 1,7 tỉ đô la Mỹ.

Mặc dù vậy, Chính phủ đã tạo ra bối cảnh kinh tế vĩ mô khá ổn định trong năm nay, nhiều khả năng nhu cầu tiêu thụ, chủ yếu đến từ thị trường bất động sản, chiếm đến 40% tiêu thụ đồ gỗ nội địa, sẽ hồi phục và tăng trưởng. Tôi cho rằng năm 2013 sẽ là năm bản lề để đón sự hồi phục và tăng trưởng kể trên.

Doanh nghiệp cần phải làm gì để chuẩn bị cho giai đoạn hội nhập cũng là giai đoạn cạnh tranh khốc liệt đang đến rất gần thưa ông?

Các nhà sản xuất cần xác định phải làm gì để đón đầu sự hồi phục đó, theo tôi, đó là xác lập sự liên kết giữa nhà sản xuất – nhà tư vấn kiến trúc và doanh nghiệp kinh doanh phân phối. Ở vai trò hiệp hội, thời gian qua chúng tôi cũng đã lên tiếng với các bộ ngành có liên quan về việc doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu phải đáp ứng hàng loạt tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng sản phẩm nhưng người tiêu dùng nội địa thì đang phải đối mặt với sản phẩm nhập khẩu có chất lượng bị thả nổi.

Chúng tôi cũng đề xuất xây dựng bộ tiêu chuẩn đối với hàng nhập khẩu để người tiêu dùng nội địa không bị thiệt thòi.

Xin cảm ơn ông!

[Để xem các bài viết khác có cùng chủ đề “Kênh phân phối nội địa”, vui lòng nhấn vào đây]

 

 

(Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn – 08/11/2013)

Bình luận hay chia sẻ thông tin
  Từ khóa của bài viết:
  Chủ đề của bài viết: