EU thông qua quy tắc xuất xứ mới đối với ưu đãi GSP

Tháng Bảy 18 03:55 2018

Ngày 18 tháng 11 năm 2010, Ủy ban châu Âu (EC) đã thông qua việc sửa đổi quy tắc xuất xứ (ROO) đối với sản phẩm nhập khẩu được EU cho hưởng Hệ thống ưu đãi chung về thuế quan cho các nước đang phát triển (GSP).

Quy tắc xuất xứ mới (dự thảo tiếng Anh đã được thông qua kèm theo) sẽ được áp dụng từ 1 tháng Giêng năm 2011 để thay thế cho quy tắc hiện hành từ những năm 1970 đã tỏ ra quá phức tạp, nghiêm ngặt và lạc hậu. Theo EC, quy định mới này sẽ đơn giản hóa các quy tắc và thủ tục cho các nước đang phát triển được hưởng ưu đãi GSP của EU, trong khi đảm bảo sự kiểm tra cần thiết để ngăn ngừa gian lận.

Hình minh họa  từ internet

Quy tắc xuất xứ mới được đơn giản hóa để các nước đang phát triển dễ nắm bắt và thực hiện, trong đó có tính đến đặc thù của các lĩnh vực sản xuất khác nhau và các yêu cầu xử lý cụ thể. Ngoài ra, còn có các quy định đặc biệt đối với các nước kém phát triển nhất (LDC) để giảm nhẹ yêu cầu về xuất xứ đối với hàng hóa được chế biến tại các nước này, (kể cả đối với sản phẩm có các nguyên liệu ban đầu là nhập khẩu) nhằm tạo điều kiện để các nước LCD được hưởng GSP nhiều hơn nữa. Ví dụ, với 70% giá trị sản phẩm từ nước ngoài thì sản phẩm nhựa từ một nước LCD (như Lào hay Campuchia) xuất sang EU vẫn được coi là có xuất xứ từ nước LCD này và được hưởng ưu đãi GSP (miễn thuế đối với tất cả các mặt hàng trừ vũ khí). Như vậy, quy định mới của EU sẽ tạo điều kiện để các ngành công nghiệp và nền kinh tế của các nước nghèo nhất được hưởng lợi nhiều nhất.

Qui định này đã đề ra quy trình chứng thực nguồn gốc hàng hóa mới, trong đó ràng buộc nhiều hơn nữa trách nhiệm của các nhà xuất khẩu.

EC cũng quy định một số biện pháp để đảm bảo sự tuân thủ của cơ quan chức năng, bao gồm một hệ thống giám sát định kỳ. Tuy nhiên, việc giám sát này đã được thực hiện trong thực tế vì không đòi hỏi có sự thay đổi pháp lý.

Theo dự kiến của EU, từ năm 2017, hệ thống cấp giấy chứng nhận xuất xứ hiện hành của các nước thứ ba sẽ được thay thế bằng thông báo xuất xứ do các nhà xuất khẩu thực hiện trực tiếp qua hệ thống điện tử. Khi cách xác định xuất xứ mới này được thực hiện thì các cơ quan chức năng của các nước xuất khẩu sẽ có thể tập trung nhiều hơn vào việc kiểm tra chống gian lận.

Như vậy, việc áp dụng quy tắc xuất xứ mới đã được EC quy định thực hiện đối với GSP là lĩnh vực EU đơn phương cho các nước đang phát triển được hưởng và các nước đang phát triển phải tuân thủ nếu muốn được hưởng ưu đãi này của EU. Ủy ban châu Âu đã thực hiện bước đầu tiên trong việc áp dụng cách tiếp cận mới đối với quy tắc xuất xứ hàng hóa nhập khẩu vào EU và theo các chuyên gia của nhiều nước, EU sẽ đòi hỏi việc áp dụng quy tắc xuất xứ này trong các cuộc đàm phán FTA sắp đến của EU với các đối tác thương mại.

[Để xem các tin bài khác về Thị trường EU, vui lòng nhấn vào đây]

 

 

(Nguồn: ttnn.com.vn – 04/2010)

Bình luận hay chia sẻ thông tin
  Từ khóa của bài viết:
  Chủ đề của bài viết: