Hệ thống phân phối, bán buôn, bán lẻ ở Hoa Kỳ (Phần 2)

Tháng Bảy 18 03:55 2018

Bạn đang theo dõi phần 2 của loạt bài “Hệ thống phân phối, bán buôn, bán lẻ ở Hoa Kỳ”, để theo dõi phần 1 vui lòng nhấn vào đây

2. Hệ thống bán lẻ

Bán lẻ là các hoạt động bán hàng hóa và dịch vụ trực tiếp đến người sử dụng cuối cùng. Các chủ thể trong hệ thống phân phối là nhà sản xuất, người bán buôn, người bán lẻ đều có thể tiến hành hoạt động bán lẻ song hầu hết hoạt động bán lẻ được tiến hành bởi các nhà bán lẻ. Nhà bán lẻ là những doanh nghiệp mà hoạt động bán hàng của họ chủ yếu là từ hoạt động bán lẻ. Mặc dù hầu hết hoạt động bán lẻ diễn ra tại các cửa hàng bán lẻ (retail store) song trong những năm gần đây hình thức bán lẻ không qua cửa hàng (nonstore retailing) như bán hàng qua thư, catalogue, điện thoại, Internet, Tivi, máy bán hàng tự động…ngày càng phát triển và trở nên phổ biến. Ở đây, chúng ta chỉ tập chung phân tích vào hoạt động bán lẻ qua cửa hàng ở Hoa Kỳ. Các cửa hàng bán lẻ tại Hoa Kỳ có thể được phân loại theo các tiêu chí như mức độ dich vụ cung cấp cho khách hàng, sự lựa chọn sản phẩm, mức giá bán hay theo cơ cấu tổ chức. Sau đây là các loại cửa hàng bán lẻ chính ở Hoa Kỳ theo một số cách phân loại phổ biến nhất:

a) Phân loại theo sự lựa chọn sản phẩm:

– Cửa hàng bán lẻ chuyên dùng (Specialty Stores): chỉ bán một số ít sản phẩm và người tiêu dùng có ít sự lựa chọn trong số những sản phẩm này. Ví dụ các cửa hàng Body Shop chỉ bán đồ mỹ phẩm, c chỉ bán đồ thời trang của Gap, Athlete’s Foot chỉ bán giầy dép. Loại cửa hàng bán lẻ này vẫn đang phát triển nở rộ ở Hoa Kỳ trong thời gian gần đây do nhu cầu thị trường ngày càng tập trung, sự phân đoạn thị trường và chuyên môn hóa sản phẩm ngày càng sâu sắc.

Hình minh họa từ internet

– Cửa hàng bách hóa (Department Stores): bán nhiều loại sản phẩm khác nhau, chủ yếu là quần áo, đồ trang trí, trang sức, đồ dùng trong gia đình; mỗi loại sản phẩm được bán tại một khoang trong cửa hàng và được điều hành bởi những nhân viên am hiểu về loại hàng hóa đó. Ví dụ, cửa hàng bán lẻ Sears, Macy’s, Marshall Field’s…. Trong những năm gần đây, lọai hình cửa hàng này đang bị lấn át bởi những cửa hàng bán lẻ chuyên dùng do hoạt động tập trung và linh hoạt hơn hoặc những cửa hàng bán lẻ hạ giá hay giá thấp. Tuy nhiên, những cửa hàng bách hóa như Nordstrom, Saks, Neiman Marcus và một số cửa hàng bách hóa cao cấp khác vẫn làm ăn tốt nhờ dịch vụ phục vụ khách hàng chất lượng cao của họ.

Hình minh họa từ internet

– Siêu thị (Supermarkets): là loại cửa hàng quy mô tương đối lớn, chi phí thấp, lãi suất thấp, bán với số lượng nhiều và hầu hết là khách hàng tự phục vụ; chủ yếu bán các loại thực phẩm và sản phẩm trong gia đình, ví dụ: Kroger,  Vons, Food Lion… Ngày nay, ở Mỹ loại cửa hàng này bán hàng tương đối chậm do tốc độ tăng dân số chậm, cạnh tranh từ các loại cửa hàng tiện ích (convenience stores), cửa hàng thực phẩm giảm giá, các cửa hàng lớn (superstores) và đặc biệt do xu hướng đi ăn ở bên ngoài tiệm thay vì nấu ăn ở nhà ngày càng tăng lên.

Hình minh họa từ internet

– Cửa hàng tiện ích (Convenience stores): là các cửa hàng tương đối nhỏ năm ở gần các khu dân cư sinh sống, mở cửa 7 ngày trong tuần, nhiều giờ trong ngày và chỉ bán một số ít các sản phẩm quay vòng nhanh với mức giá tương đối cao. Ví dụ, 7-Eleven, Stop-N-Go, Circle K…Con số thống kê ở Hoa Kỳ cho thấy hơn 60% doanh thu của các loại cửa hàng này có được từ việc bán xăng dầu; hơn 50% doanh thu các mặt hàng bán trong cửa hàng là từ thuốc lá và đồ uống. Trong những năm gần đây, các cửa hàng loại này trở nên quá nhiều và làm ăn không hiệu quả do đối tượng khách hàng chủ yếu là những thanh niên trẻ, lao động tay chân ngày càng giảm dần. Vì vậy, rất nhiều cửa hàng phải cơ cấu lại để thu hút thêm lượng khách hàng là phụ nữ. Những lôgô theo kiểu “điểm dừng chân của các xe tải” được dỡ bỏ, và thay bằng bán chủ yếu bia, rượu, thuốc lá, tạp chí, các cửa hàng này bán cả những đồ thực phẩm tươi chế biến sẵn hoặc những đồ dùng phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng hàng ngày của khu vực dân cư xung quanh đó.

Hình minh họa từ internet

– Cửa hàng lớn (Superstores): là những cửa hàng lớn hơn siêu thị rất nhiều và bán thực phẩm cũng như những đồ dùng khác có nhu cầu sử dụng hàng ngày với sự lựa chọn đa dạng. Những cửa hàng loại này cũng cung cấp những dịch vụ như là khô, bưu điện, rửa phim, chăm sóc thú nuôi trong gia đình, bảo dưỡng xe ô tô, thanh toán….Các tập đoàn bán lẻ giảm giá lớn như Wal-Mart, Kmart, Target… đếu có những cửa hàng kiểu này cung cấp cho khách hàng đủ mọi hàng hóa từ thực phẩm cho đến các loại hàng hóa tiêu dùng khác. Ngoài ra, trong thời gian vừa qua, ở Hoa Kỳ còn bùng nổ một loại hình superstore mới mà thực chất là những cửa hàng bán lẻ chuyên dụng khổng lồ gọi là category killers bán một số ít các loại hàng hóa với ít sự lựa chọn nhưng được trang bị bởi những nhân viên rất am hiểu về mặt hàng đó.

Hình minh họa từ internet

b) Phân loại theo mức giá cả hàng hóa bán tại cửa hàng:

– Các cửa hàng giảm giá (Discount stores): bán những hàng hóa bình thường ở mức giá thấp, chấp nhận lãi suất thấp nhưng bán với số lượng lớn ví dụ như Wal-Mart, Kmart, Target…

– Cửa hàng bán lẻ gía thấp (Off-Price Retailers): Khác với những cửa hàng giảm giá bình thường mua hàng ở mức giá bán buôn bình thường và chấp nhận lãi xuất thấp để duy trì giá thấp, các cửa hàng bán lẻ giá thấp mua hàng ở mức giá buôn thấp hơn bình thường và bán hàng ở mức giá thấp hơn giá bán lẻ. Có 3 loại cửa hàng bán lẻ giá thấp chủ yếu sau:

+ Cửa hàng bán lẻ giá thấp độc lập (Independent off-price retailers): là cửa hàng hàng do nhà kinh doanh độc lập sở hữu hoặc điều hành hoặc là một đơn vị của một tập đoàn bán lẻ lớn hơn. Ví dụ: các cửa hàng bán lẻ T.J.Maxx và Marshall’s, do công ty TJX sở hữu.

Hình minh họa từ internet

+ Cửa hàng bán lẻ của nhà máy (Factory outlets): là những cửa hàng bán lẻ giá thấp do nhà sản xuất sở hữu hoặc điều hành, thường bán những hàng hóa dư thừa, hàng không đúng quy cách hoặc không còn sản xuất nữa. Những cửa hàng bán lẻ này thường tập trung lại với nhau thành một khu bán lẻ của các nhà máy (factory outlet malls) hoặc trung tâm bán lẻ giảm giá (value-retail centers) và bán các sản phẩm ở mức giá có khi chỉ bằng 50% mức bán lẻ tại các cửa hàng khác. Các khu bán lẻ này thường ở xa khu vực dân cư nên chi phí kho bãi cũng thấp hơn những cửa hàng bán lẻ trong thành phố rất nhiều. Trước đây, những khu bán lẻ kiểu này chỉ bán các loại hàng của nhà máy sản xuất và không bán nhiều hàng hiệu cao cấp, song gần đây các khu bán hàng này cũng chuyển hướng sang bán cả những mặt hàng nhãn mác nổi tiếng. Ví dụ, khi đến khu cửa hàng bán lẻ Leesburg Corner Premium Outlets ở bang Virginia, ta có thể tìm thấy những sản phẩm hàng hiệu của Coach, Polo Ralph Lauren, Dolce & Gabbana, Gucci, Bostonian… Ở Hoa Kỳ, các khu bán lẻ của các nhà máy có lượng bán hàng tăng trưởng nhanh nhất trong những năm vừa qua.

Hình minh họa từ internet

+ Cửa hàng bán lẻ thu phí thành viên (warehouse club hoặc membership warehouse hoặc wholesale club): như Sam’s Club, Cosco và BJ’s là những cửa hàng bán lẻ giá thấp bán hàng tại những kho chứa hàng lớn, thô sơ không trang trí nhiều. Tại đây, bán đủ những thứ hổ lốn từ rau quả, đồ điện, quần áo đến máy tính, đồ trang sức… với mức giá rất thấp cho những khách hàng thành viên phải trả phí hàng năm. Những cửa hàng này thường không chấp nhận thẻ tín dụng và không có dịch vụ vận chuyển về nhà cho khách hàng. Dịch vụ ở những cửa hàng loại này là tối thiểu và khách hàng phải tự vật lộn với một đống hàng hóa khi thanh toán tiền và vận chuyển về nhà. Thực tế cho thấy, khi kinh tế của Hoa Kỳ đi xuống thì người dân lại thiên về mua sắm tại những cửa hàng kiểu này hơn là những cửa hàng bán lẻ khác.

[Để xem thêm các tin bài khác về Thị trường Hoa Kỳ, vui lòng nhấn vào đây]

(Nguồn: ttnn.com.vn – 07/2008)

Bình luận hay chia sẻ thông tin