Quy định xuất nhập khẩu của Hoa Kỳ (Phần 1)

Tháng Bảy 18 03:55 2017

Thủ tục hải quan

Khi hàng hóa đến cảng Hoa Kỳ, người nhập khẩu hoặc đại diện ủy quyền của người nhập khẩu phải đăng ký đầy đủ hồ sơ cho Hải quan Hoa Kỳ. Hàng hóa nhập cảng chỉ được hải quan cho thông quan sau khi chủ sở hữu lô hàng đã hoàn tất thủ tục luật lệ và đóng thuế nhập khẩu. Hải quan có quyền chỉ thị thời hạn giám định lô hàng, cũng như quyết định cho phép thông quan.

Nếu có thắc mắc, trước khi liên hệ với Hải quan, chủ sở hữu hàng hóa nên liên lạc với những cơ quan liên quan đến những mặt hàng đặc biệt như: thực phẩm, trái cây thuộc USDA, thuốc men, rượu mạnh, súng đạn trực thuộc FDA… 

Hàng hóa có thể nhập kho ở cảng đến hoặc chuyển sang cảng khác ở nội địa Hoa Kỳ trong điều kiện còn nguyên kiện, chưa tháo gỡ. Chủ sở hữu phải chịu trách nhiệm về chi phí vận chuyển. Trong một số trường hợp hàng hóa đặc biệt, hàng nhập khẩu chỉ được phép nhập khẩu và làm thủ tục hải quan tại một nơi quy định dù trước đó hàng đã đến một cảng khác trong lãnh thổ Hoa Kỳ. Trong trường hợp này, chủ sở hữu phải khai báo và đăng ký đầy đủ hồ sơ cần thiết tại cảng địa phương được chỉ định.

Hồ sơ đăng ký thông quan hàng nhập khẩu: Trong vòng 5 ngày, kể từ ngày hàng đến cảng Hoa Kỳ, hồ sơ đăng ký thông quan hàng nhập khẩu phải được nộp cho Hải quan, ngoại trừ trường hợp đặc biệt được gia hạn thêm. Hồ sơ này gồm có:
– Tờ khai hải quan (mẫu số 7533) hoặc mẫu đơn xin xuất hàng đặc biệt (số 3461), hoặc đơn xuất hàng của Hải quan
– Đơn xác nhận được uỷ quyền tiến hành thủ tục thông quan
– Hóa đơn thương mại
– Vận đơn
– Phiếu đóng gói
– Giấy chứng nhận xuất xứ
– Thông tin liên hệ

Khi hồ sơ và thủ tục hoàn tất, hàng hóa sẽ được thông quan. Tiền thuế nhập khẩu phải được thanh toán trong vòng 10 ngày. 

Hồ sơ nhập khẩu: Hàng hóa nhập khẩu có thể bị khám xét hoặc miễn trừ. Sau đó sẽ được phép thông quan nếu hội đủ những điều lệ về thủ tục Hải quan. Sau khi hàng hóa được thông quan, hồ sơ nhập khẩu sẽ được hoàn trả lại chủ sở hữu hoặc văn phòng Dịch vụ khai báo hải quan.

Bảo lãnh tài chính (Surety): Song song với thủ tục thông quan hàng nhập khẩu, chủ sở hữu phải nộp cam kết thế chấp có giá trị như một số tiền đặt cọc, để đảm bảo cho khoản thuế nhập khẩu và những chi phí liên quan. Cam kết thế chấp có thể được bảo lãnh bởi một công ty tài chính tư nhân. Trong trường hợp văn phòng “Dịch vụ khai báo hải quan” đại diện cho chủ sở hữu thì họ có thể dùng cam kết thế chấp của họ để bảo đảm theo yêu cầu của Hải quan.

Hình minh họa từ internet

Kiểm tra hàng hóa trước khi thông quan 

Dựa vào việc kiểm tra hàng hóa, hải quan sẽ lượng định chính xác nhiều yếu tố cần thiết trước khi quyết định cho hàng thông quan. Việc kiểm tra sẽ được thực hiện trên cơ sở xác định các thông tin sau:
– Giá trị chính xác của hàng hóa để xác định mức thuế nhập khẩu phải nộp
– Hàng hóa phải được ghi chú rõ ràng nước xuất xứ và nhãn hiệu theo đúng tiêu chuẩn do hải quan đề ra
– Không có loại hàng quốc cấm
– Số lượng phải phù hợp với hoá đơn hàng (số lượng chính xác, không dư hoặc thiếu)
– Không có những loại thuốc gây mê mà chính phủ Hoa Kỳ ngăn cấm

Để kiểm tra hàng hóa, nhân viên hải quan sẽ chọn một số mẫu hàng trong toàn bộ lô hàng. Đối với thuốc gây mê nói riêng và nhiều mặt hàng đưa vào Hoa Kỳ nói chung bằng đường biển, Hải quan Hoa Kỳ sẽ thực hiện việc kiểm tra tương đối chặt chẽ nhằm hạn chế hàng nhập lậu.

Hàng vải, hàng may mặc là một trong những mặt hàng chịu sự kiểm tra gắt gao của Hải quan Hoa Kỳ do tính chất nhạy cảm của nó trên thương trường.

Hàng hóa sai biệt (excess goods and shortages)

Để tạo sự dễ dàng trong việc xác định mức thuế nhập khẩu, hàng hóa nhập khẩu phải được đóng gói theo đúng tiêu chuẩn. Mỗi kiện hàng phải ghi số thứ tự và có nội dung hàng hóa bên trong phù hợp chính xác với hoá đơn. 

Nếu nhân viên hải quan phát hiện một trong số những kiện hàng không được ghi rõ, hoặc thiếu đồng nhất với hoá đơn, điều này có nghĩa chủ sở hữu lô hàng đã man trá với luật thuế quan. Như vậy, chủ sở hữu lô hàng sẽ bị phạt và hàng hóa có thể bị tịch thu (xem Luật thương mại 19 U.S.C. 1592).

Nếu nhân viên hải quan phát hiện có sự thiếu hụt về số lượng hàng hóa, họ sẽ điều chỉnh mức thuế quan dựa theo sự thiếu hụt đó.

Sự thiệt hại hoặc giảm giá trị hàng hóa

Hàng hóa bị hư hại không còn giá trị thương mại khi đến cảng được nhân viên hải quan liệt vào loại “Không phải hàng nhập khẩu” và sẽ cho miễn thuế.

Khi sự hư hại chỉ ảnh hưởng đến một phần trọng lượng hàng thì thuế nhập khẩu chỉ áp dụng đối với số hàng còn nguyên vẹn, số hàng hư hỏng sẽ được miễn thuế. Những mặt hàng như: trái cây, rau quả, bồn hoa tươi… chỉ được giảm thuế sau khi hàng được bốc dỡ từ cảng. Tuy nhiên, chủ sở hữu lô hàng phải xin khấu trừ khoản thuế đối với hàng bị hư hỏng trong thời hạn 96 giờ trước khi di chuyển hàng đi nơi khác. Sắt, thép bị hư hỏng vì rỉ sét, phai màu khi vận chuyển trên biển không được miễn trừ.

[Để xem thêm các tin bài khác về Thị trường Hoa Kỳ, vui lòng nhấn vào đây]

(Theo Vietrade – 2011)

 

Bình luận hay chia sẻ thông tin