Quy định xuất nhập khẩu của Hoa Kỳ (Phần 2)

Tháng Bảy 18 03:55 2018

Bạn đang theo dõi phần 2 của loạt bài “Quy định xuất nhập khẩu của Hoa Kỳ”, để theo dõi phần 1 vui lòng nhấn vào đây.

Hoá đơn thương mại

Hóa đơn thương mại: là một chứng từ không thể thiếu trong bộ chứng từ giao hàng và là cơ sở quan trọng để xác định trị giá tính thuế nhập khẩu của hàng hóa. Hàng nhập khẩu vào Hoa Kỳ không có hóa đơn thương mại có thể bị hải quan giữ lại. Thông tin trong hóa đơn thương mại không đầy đủ hoặc không trung thực hoặc không chính xác có thể gây khó khăn và chậm trễ cho người nhập khẩu trong khâu giải phóng hàng hoặc bị phạt tiền hoặc chịu “oan” thêm thuế nhập khẩu. Đối với người xuất khẩu, thông tin không trung thực hoặc không chính xác trong hóa đơn thương mại có thể dẫn đến bị hải quan Hoa Kỳ phạt tiền hoặc cấm không cho xuất hàng vào Hoa Kỳ hoặc ghi vào sổ đen để kiểm tra kỹ hơn các lô hàng xuất khẩu sau đó. 

Hóa đơn thương mại phải được lập bằng tiếng Anh hoặc có bản dịch tiếng Anh chính xác kèm theo. Một số thông tin yêu cầu (như trình bầy dưới đây) có thể được ghi ngay trên hóa đơn hoặc tại phụ lục kèm theo hóa đơn. 

Các yêu cầu đối với hóa đơn thương mại của hàng hóa nhập khẩu vào Hoa Kỳ rất nhiều và phức tạp. Những thông tin yêu cầu có trong hóa đơn thương mại vượt quá xa mức bình thường và không cần thiết đối với mục đích khai hải quan và tính thuế nhập khẩu. Yêu cầu này gây khó khăn và tốn kém đặc biệt đối với các doanh nghiệp nhỏ và mới thâm nhập thị trường như hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam. Thực tế có không ít doanh nghiệp Việt Nam đã phải làm đi làm lại không dưới vài ba lần một hóa đơn thương mại xuất hàng sang Hoa Kỳ.

Nội dung hóa đơn: Luật Thuế quan yêu cầu hóa đơn thương mại phải cung cấp các thông tin sau:
– Tên cửa khẩu hàng đến
– Tên người mua
– Tên người bán
– Mô tả chi tiết sản phẩm: tên thông thường của sản phẩm, cấp hạng hay chất lượng, số hiệu và ký mã hiệu của hàng hóa khi lưu thông trên thị trường nội địa nước xuất khẩu, cùng với số mã hiệu bao gói hàng hóa
– Số lượng tính theo trọng lượng hoặc kích thước của nước giao hàng hoặc của Hoa Kỳ
– Giá của từng mặt hàng
– Loại tiền
– Các chi phí liên quan ghi rõ từng khoản (nếu có) như: cước phí vận tải quốc tế, phí bảo hiểm, hoa hồng, chi phí bao bì, chi phí container, chi phí đóng gói, và tất cả các chi phí và phí tổn khác (nếu chưa nằm trong các khoản trên) liên quan đến việc đưa hàng từ dọc mạn tầu tại cảng xuất khẩu đến dọc mạn tàu (FAS) tại cảng đến ở Hoa Kỳ. Chi phí đóng gói, bao bì, container và cước phí vận tải nội địa đến cảng xuất khẩu không phải liệt kê nếu như đã nằm trong giá hóa đơn và được chú thích như vậy.
– Giảm giá, chiết khấu
– Nước xuất xứ hàng hóa
– Hóa đơn thương mại phải thể hiện rõ có sự “hỗ trợ” của người mua cho việc sản xuất hàng hóa hay không. Nếu có thì phải ghi rõ giá trị (nếu biết) và tên nhà cung cấp. Sự hỗ trợ đó được miễn phí hay trên cơ sở thuê mướn hay phải trả tiền riêng?

Nếu phải trả tiền riêng thì gửi kèm hóa đơn. “Hỗ trợ” bao gồm như khuôn đúc, khuôn ép, dụng cụ sản xuất, trống in, chế bản, sơ đồ, bản thiết kế, hỗ trợ tài chính v.v. 

Thông tin bổ sung: Theo qui định của Hải quan, có 45 chủng loại hàng hóa đòi hỏi phải có thêm một số thông tin khác (ngoài các thông tin đã liệt kê ở trên) trong hóa đơn thương mại. Ví dụ: đối với chuỗi hạt, hóa đơn thương mại phải cho biết chiều dài sợi dây, kích thước hạt bằng mm, hạt làm bằng chất liệu gì: thuỷ tinh hay ngà voi hay ngọc trai v.v… Đối với khăn trải bàn hay ga phủ giường, hóa đơn thương mại phải nói rõ có thêu ren, viền, tua và trang trí hay không v.v.

Hóa đơn riêng: Mỗi chuyến hàng giao từ một người giao hàng đến một người nhận hàng cần một hóa đơn riêng. 

Hàng giao ghép: Các hàng hóa do hãng vận tải gom lại để giao cho cùng một người nhận hàng có thể ghi gộp vào một hóa đơn. Các vận đơn hoặc hóa đơn gốc của các hàng hóa đó thể hiện giá đã thực trả hoặc sẽ phải trả phải được gửi kèm với hóa đơn gộp đó. 

Giao hàng nhiều chuyến: Các chuyến giao hàng thuộc cùng một đơn hàng hoặc hợp đồng từ cùng một người giao đến cùng một người nhận có thể gộp trong cùng một hóa đơn nếu như các chuyến hàng đó được giao bằng bất cứ hình thức vận tải nào tới cảng đến trong vòng không quá 10 ngày liên tục. Hóa đơn gộp này được lập giống như các hóa đơn bình thường khác và chỉ khác ở chỗ là phải tách riêng số lượng, trị giá và các số liệu khác của từng chuyến hàng. 

Hình minh họa từ  internet

Những lỗi thường gặp khi lập hóa đơn  

– Người bán cho rằng hoa hồng, tiền bản quyền và các loại phí khác không phải chịu thuế nên không ghi vào trong hóa đơn.
– Người xuất khẩu mua hàng từ nhà sản xuất rồi bán lại cho người nhập khẩu Hoa Kỳ và chỉ ghi trên hóa đơn giá họ mua của người sản xuất chứ không ghi giá họ bán cho người nhập khẩu.
– Trị giá nguyên liệu của người nhập khẩu cung cấp cho người xuất khẩu để sản xuất ra hàng hóa không được thể hiện trong hóa đơn.
– Nhà sản xuất nước ngoài gửi hàng thay thế cho một khách hàng ở Hoa Kỳ và chỉ ghi giá thực thu của hàng hóa mà không thể hiện giá đầy đủ trừ đi tiền bồi thường cho hàng hóa khiếm khuyết đã giao trước đây và bị trả lại.
– Người giao hàng nước ngoài bán hàng có chiết khấu nhưng trên hóa đơn chỉ ghi giá thực thu mà không thể hiện số tiền chiết khấu.
– Người xuất khẩu bán hàng theo giá giao hàng (giá gắn với một điều kiện giao hàng nào đó ví dụ như giá CIF chẳng hạn) nhưng chỉ ghi hóa đơn theo giá FOB tại nơi xếp hàng và không ghi những chi phí tiếp theo sau.
– Người giao hàng ghi trên hóa đơn người nhập khẩu là người mua hàng nhưng trên thực tế người nhập khẩu chỉ là đại lý hoa hồng hoặc là bên chỉ nhận một phần tiền bán hàng cho việc làm trung gian của mình.
– Mô tả hàng hóa không rõ ràng, thiếu một số thông tin yêu cầu, gộp nhiều mặt hàng vào cùng một loại v.v. 

Trước khi giao hàng và lập hóa đơn thương mại hoặc thậm chí ngay từ khi thảo luận hợp đồng, người xuất khẩu phải kiểm tra với người nhập khẩu hoặc luật sư hoặc đại lý giao nhận hàng hóa (tốt nhất là với người nhập khẩu) về những thông tin cần ghi trong hóa đơn thương mại. Cẩn thận hơn nữa, người xuất khẩu nên gửi bản thảo hóa đơn thương mại cho người nhập khẩu để kiểm tra và thông qua trước khi lập hóa đơn chính thức.

Trị giá tính thuế

Khác với Việt Nam và một số nước khác, trị giá hải quan (tức trị giá chịu thuế nhập khẩu) của Hoa Kỳ cơ bản được dựa trên trị giá giao dịch mà người mua đã thực trả hoặc sẽ phải trả cho người bán.

Những chi phí sau đây không được coi là trị giá giao dịch để áp thuế nhập khẩu nếu được tách bạch trên hóa đơn bán hàng:
– Cước phí vận tải quốc tế và phí bảo hiểm
– Cước phí vận tải nội địa từ nhà máy đến cảng ở nước xuất khẩu nếu giao hàng được thực hiện bằng một vận đơn thông suốt cho toàn bộ lộ trình chuyên chở
– Chi phí hợp lý cho việc xây lắp, lắp ráp, duy tu và trợ giúp kỹ thuật đối với hàng hóa sau khi đã nhập khẩu vào Hoa Kỳ hoặc chi phí vận tải hàng hóa sau nhập khẩu
– Các loại thuế nhập khẩu và thuế liên bang khác

Ngược lại, những chi phí sau đây (nếu có và chưa nằm trong giá mà người mua đã trả hoặc sẽ phải trả cho người bán) sẽ được cộng vào trị giá giao dịch để tính thuế nhập khẩu:
– Các chi phí đóng gói hàng hóa mà người mua phải chịu
– Hoa hồng bán hàng mà người mua phải chịu (hoa hồng người mua trả cho đại lý của người bán hoặc của nhà sản xuất)
– Phí bản quyền hoặc lixăng mà người mua phải trả như là một điều kiện của hợp đồng
– Các khoản tiền phải trả cho người bán xuất phát từ việc bán lại hoặc sử dụng hàng hóa nhập khẩu
– Trị giá hỗ trợ của người nhập khẩu dành cho nhà xuất khẩu: Trong thực tế có nhiều trường hợp người nhập khẩu cung cấp dụng cụ, khuôn mẫu, nguyên liệu hoặc linh kiện hoặc các mặt hàng khác với giá hạ hoặc miễn phí cho nguời xuất khẩu để sử dụng sản xuất ra hàng hóa. Các thông số kỹ thuật và các bản vẽ thiết kế không phải được làm ở Hoa Kỳ được người nhập khẩu cung cấp cho người xuất khẩu cũng coi là những trợ giúp và trị giá của nó được cộng vào thành trị giá hải quan.

Như vậy, trị giá tính thuế nhập khẩu có thể khác với giá mà người mua và người bán đã thoả thuận. Trong trường hợp Hải quan xác định trị giá giao dịch thể hiện trên chứng từ mua bán không phải là giá đầy đủ hoặc có yếu tố giá nào đó không xác định được thì Hải quan sẽ sử dụng các phương pháp định giá khác để tính trị giá tính thuế nhập khẩu. Các phương pháp này xếp theo thứ tự ưu tiên sử dụng gồm: trị giá giao dịch của hàng hóa cùng loại hoặc tương tự, trị giá khấu trừ và trị giá tính toán.

[Để xem thêm các tin bài khác về Thị trường Hoa Kỳ, vui lòng nhấn vào đây]

(Theo Vietrade – 2011)

Bình luận hay chia sẻ thông tin