Tóm tắt nền kinh tế Mỹ (Phần 1)

Tháng Bảy 18 03:55 2018

 1. Hàng hóa và dịch vụ

 

Nền kinh tế quốc gia bao gồm sản xuất hàng hóa và dịch vụ trong nước. GDP đánh giá sản lượng đầu ra được tạo bởi sức lao động và trí tuệ tại Hoa Kỳ.

Người lao động sử dụng các nguồn vốn và nguồn lực tự nhiên để sản xuất ra hàng hóa và dịch vụ. Các nguồn tài nguyên là những nguồn lực được thiên nhiên cung cấp: không khí, nước, cây cối, than đá và đất đai.

Các nguồn vốn bao gồm vốn hữu hình: công cụ, máy móc, công nghệ (thấp và cao). Nó còn bao gồm các tài sản trí tuệ như bản quyền, bằng sáng chế, thương hiệu; và bao gồm cả các nguồn vốn con người như trình độ đào tạo, kỹ năng và kinh nghiệm.

Phần lớn các nguồn tài nguyên ở Hoa Kỳ đều nằm trên các vùng đất thuộc quyền sở hữu tư nhân, do các cá nhân hoặc các tập đoàn hoặc do chính phủ cho thuê ở cấp bang hoặc cấp quốc gia. Chính quyền các bang đặt ra các quy tắc sử dụng nguồn lực tự nhiên, ví dụ như các biện pháp kiểm soát ô nhiễm.

Nước Mỹ cũng rất giàu tài nguyên khoáng sản mặc dù thiếu một số nguồn tài nguyên quan trọng phục vụ sản xuất – ví dụ như dầu mỏ. Nước Mỹ có nhiều đất trồng màu mỡ và khí hậu ôn hòa, có các đường bở biển dài trên Đại Tây Dương và Thái Bình Dương và trên Vịnh Mêhicô. Các con sông chảy qua khắp đất nước và Ngũ Hồ tại vùng biên giới Canada đã tạo ra cho nước Mỹ một mạng lưới giao thông đường thủy rất phong phú. Mạng lưới giao thông đường bộ, đường thủy, đường sắt, đường cao tốc và cảng hàng không dày đặc đã nối 50 bang riêng lẻ thành một chỉnh thể kinh tế thống nhất.

Cá nhân và các tập đoàn sở hữu phần lớn công nghệ và các nguồn vốn hữu hình khác của nước Mỹ. Nền kinh tế Mỹ đặc biệt giàu có về công nghệ thông tin, mang lại nguồn lợi nhuận khổng lồ trong hoạt động sản xuất vào thập kỷ qua. Chính quyền các bang đặt ra các quy định để mua bán và sử dụng những nguồn vốn đó.

Các cá nhân, tập đoàn, trường đại học và các thể chế nghiên cứu khác sở hữu các tài sản trí tuệ. Trên khắp thế giới, trị giá tổng tài sản trí tuệ của nước Mỹ, bao gồm bản quyền phim, đĩa nhạc, phần mềm và sơ đồ sáng chế được ước tính vào khoảng nhiều tỷ đô-la.

Kể từ khi nước Mỹ xóa bỏ chế độ nô lệ sau cuộc Nội Chiến năm 1863, tất cả người lao động Mỹ đều được sở hữu sức lao động của họ và được quyền tự do bán sức lao động của họ cho các chủ lao động để được trả lương hoặc tự mình làm việc – những người tự trả lương. Chính phủ các bang cũng đưa ra các quy định pháp luật để thuê và sử dụng người lao động.

Để sản xuất ra hàng hóa và dịch vụ, các nhà quản lý phải tổ chức và sử dụng sức lao động, vốn và các nguồn tài nguyên theo các dấu hiệu của thị trường. Theo cấu trúc kinh doanh truyền thống, nhà quản lý làm việc thông qua một bộ máy mệnh lệnh từ trên xuống. Ví dụ như, trong một nhà máy, mệnh lệnh được truyền từ giám đốc điều hành – người có chức năng vận hành một cách có hiệu quả toàn bộ hoạt động kinh doanh – thông qua cấp quản lý thấp hơn để xuống người quản lý của mỗi phân xưởng hoặc mỗi ngành hàng.

Một số doanh nhân sử dụng hình thức tổ chức linh hoạt hơn, đặc biệt là trong các ngành công nghệ cao, nơi mà kỹ năng của người lao động và người tiêu dùng phát triển và thay đổi rất nhanh. Các công ty này đã “làm phẳng” cấu trúc tổ chức của họ, giảm số lượng người quản lý và cho phép có mức độ tự chủ cao hơn trong các nhóm làm việc có tính kỷ luật cao. Thường các nhóm này chịu trách nhiệm về các dự án và được giải thể khi các dự án đã hoàn thành, khi đó, thành viên trong nhóm sẽ được thuyên chuyển đến làm việc tại các nhóm khác với những công việc mới.

Vậy thì hiện nay, nền kinh tế Mỹ đang sản xuất ra cái gì?

Dịch vụ được sản xuất bởi khu vực tư nhân chiếm 67,8% GDP của Hoa Kỳ trong năm 2006, trong đó đứng đầu là bất động sản, dịch vụ tài chính như ngân hàng, bảo hiểm và đầu tư. Một số loại dịch vụ khác là bán buôn và bán lẻ, giao thông vận tải, chăm sóc y tế, pháp luật, khoa học, dịch vụ quản lý, giáo dục, nghệ thuật, giải trí, tiêu khiển, khách sạn và dịch vụ chỗ ở, nhà hàng, quầy rượu và các dịch vụ khác về thực phẩm và đồ uống.

Sản xuất hàng hóa chiếm 19,8% GDP bao gồm các ngành: ngành chế tạo, như máy tính, ôtô, máy bay, máy thiết bị – chiếm 12,1%; xây dựng – chiếm 4,9%; khai thác dầu mỏ, khí đốt và các hoạt động khai mỏ khác – chiếm 1,9%; nông nghiệp chiếm ít hơn 1%.

Liên bang, bang và chính quyền địa phương chiếm phần còn lại – 12,4% GDP.

Những khu vực kinh tế phát triển mạnh mẽ nhất là dịch vụ tài chính, các dịch vụ chuyên nghiệp, khoa học và kỹ thuật; chế tạo sản phẩm bền vững, đặc biệt là máy tính và đồ điện tử; bất động sản và chăm sóc y tế.

Những khu vực kinh tế có tỷ lệ đóng góp trong GDP giảm đi là nông nghiệp, khai thác mỏ, một vài ngành chế tạo khác như ngành dệt. Hội đồng Cạnh tranh đã nhận định rằng: “Vì có giá trị thấp, hàng hóa dựa trên chế tạo đang dần biến mất khỏi nước Mỹ, và được chuyển sang các nước đang phát triển nơi có thể thực hiện chế tạo hàng hóa với chi phí thấp”.

 

Đóng góp của các ngành công nghiệp trong GDP năm 2006 (phần trăm): Chính phủ 12,4%; Nông lâm ngư nghiệp 0,9%; Khai thác mỏ 1,9%; Xây dựng 4,9%; Chế tạo 12,1%; Dịch vụ 67,8%;

Các ngành dịch vụ ngân hàng, bán lẻ, giao thông vận tải và chăm sóc y tế chiếm 2/3 giá trị GDP của Hoa Kỳ

Mỹ có thặng dư trong thương mại dịch vụ nhưng có thâm hụt lớn trong thương mại hàng hóa.

Hoa Kỳ là quốc gia hàng đầu thế giới trong công nghiệp chế tạo, các nhà máy của Mỹ sản xuất ra lượng hàng hóa có giá trị tương đương với 1,49 nghìn tỷ đô-la trong năm 2005, nhiều gấp 1,5 lần so với nước đứng thứ hai thế giới là Nhật Bản. Giá trị sản lượng nông nghiệp của Mỹ cũng chỉ đứng sau Trung Quốc và Ấn Độ.

Mặc dù hiện nay, nông nghiệp chỉ chiếm một phần nhỏ trong GDP nhưng các trang trại vẫn duy trì được sức mạnh kinh tế và chính trị của mình. Vào năm 2002, giá trị thị trường của sản lượng nông nghiệp Mỹ đã đạt hơn 200 tỷ đô-la, bao gồm 45 tỷ đô-la từ thịt gia súc và da bò; gần 40 tỷ đô-la từ các loại hạt như ngô, lúa mì và các loại hạt dầu như đậu nành; gần 24 tỷ đô-la từ gia cầm và trứng; 20 tỷ đô-la từ sữa và các sản phẩm bơ sữa và 12 tỷ đô-la từ cừu và lợn.

Mặc dù trên khắp nước Mỹ có hơn 2 triệu trang trại nhưng chỉ có rất ít tập đoàn trang trại lớn thống trị thị trường – 1,6% các trang trại trong năm 2002 nhưng chiếm một nửa tổng giá trị sản phẩm.

Mặc dù Mỹ luôn trong tình trạng thâm hụt thương mại nhưng lại thặng dư trong thương mại nông sản. Dự báo vào năm 2007, các trang trại Mỹ xuất khẩu 78 tỷ đô-la, trong đó, phần lớn nhất được xuất sang các nước Châu Á, mặc dù Canada và Mêhicô là hai thị trường có đóng góp lớn nhất trong sự tăng trưởng mới đây của xuất khẩu nông sản. Khoảng ¼ sản lượng đầu ra của các nông trại Mỹ được xuất khẩu.

Xuất nhập khẩu của Mỹ (phần trăm)

Xuất khẩu $1,4 nghìn tỷ: Canada 22,2%, Mexico 12,9%, Đông Á và Thái Bình Dương 24,8%, châu Âu 23,7%, các nước còn lại trên thế giới 16,4%

Nhập khẩu $2,2 nghìn tỷ: Canada 16,4%, Mexico 10,7%, Trung Quốc 15,5%, Nhật Bản 8%, các nước còn lại ở Đông Á và Thái Bình Dương 9,8%, châu Âu 20,7%, các nước còn lại trên thế giới 18,9%

Hoa Kỳ cũng duy trì được trạng thái thặng dư trong thương mại dịch vụ – thặng dư 79,7 tỷ đô-la Mỹ trong năm 2006. Loại hình dịch vụ xuất khẩu lớn nhất của Mỹ là hoạt động du lịch của khách du lịch nước ngoài đến Mỹ, đạt 85,8 tỷ đô-la trong năm nay.

Ngược lại, Mỹ là quốc gia có thâm hụt thương mại hàng hóa lớn và mức độ thâm hụt này đang có xu hướng tăng lên. Trong khi xuất khẩu hơn 1 nghìn tỷ đô-la hàng hóa trong năm 2006, Mỹ đã nhập khẩu hơn 1,8 nghìn tỷ cũng trong năm đó.

Hàng hóa nhập khẩu nhiều nhất trong năm 2006 là ôtô và phụ tùng ôtô – 211,9 tỷ đô-la, và dầu thô – 225,2 tỷ đô-la. Những nước xuất khẩu nhiều nhất vào Mỹ là Canada, Trung Quốc, Mêhicô, Nhật Bản và Đức.

Các mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Mỹ trong năm 2006 là ôtô và phụ tùng ôtô, xe bán tải và máy bay dân sự. Các thị trường xuất khẩu lớn nhất của Mỹ là Canada, Mêhicô, Nhật Bản, Trung Quốc và Anh Quốc.

Trong giai đoạn từ năm 2000 đến năm 2006, mặc dù hàng hóa xuất khẩu của Mỹ đã tăng 33% song nhập khẩu hàng hóa còn tăng với tốc độ nhanh hơn – 52%. Thâm hụt thương mại hàng hóa đã tăng gần gấp đôi trong những năm này.

Thâm hụt thương mại 758,5 tỷ đô-la chiếm 5,7% GDP năm 2006 – một mức độ được nhiều nhà kinh tế coi là không bền vững vì nó dựa trên các dòng đầu tư nước ngoài đang tiếp tục đổ vào nước Mỹ.

[Để xem các bài viết khác có cùng chủ đề “Thị trường Hoa Kỳ”, vui lòng nhấn vào đây]

(Nguồn: ttnn.com.vn– 07/2008)

Bình luận hay chia sẻ thông tin