Xu hướng và phân đoạn thị trường nội thất phòng khách và phòng ăn EU (Phần 3)

Tháng Bảy 18 03:55 2018

Bạn đang theo dõi phần 3 của loạt bài “Xu hướng và phân đoạn thị trường nội thất phòng khách và phòng ăn EU”, để theo dõi phần 2 vui lòng nhấn vào đây.

Cơ hội và thách thức từ các đặc trưng của sản phẩm

Trong thập kỷ qua, thách thức đối với ngành này đến từ việc chiều cao và cân nặng của con người tăng lên và ảnh hưởng của nó dẫn đến việc các tiêu chuẩn đối với đồ nội thất phòng khách và phòng ăn ở các nước khác nhau cũng khác nhau. Vì vậy, khi bạn lựa chọn thị trường mục tiêu cho công ty của mình, bạn nên lựa chọn nhóm các thị trường có tiêu chuẩn gần giống nhau. Các nghiên cứu cho thấy người dân ở Châu Âu thường to và cao hơn, vì vậy tiêu chuẩn đối với chiều cao của bàn ghế đang thay đổi. Thông thường, người dân ở các nước Scandinavi và ở Bắc Âu nói chung thường cao hơn so với Nam Âu.

Tuy nhiên, cũng có những cơ hội nhất định cho thị trường này từ xu hướng con người của EU, dẫn đến thiết kế ghế to hơn và thoải mái hơn. Người tiêu dùng ưa thích các loại bàn ăn to hơn, đi kèm với ghế to hơn để có thể sử dụng một cách thoải mái. Xu hướng này bắt nguồn từ việc ngày nay, diện tích dùng cho phòng ăn trong nhà thường rộng hơn và sau cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu, người tiêu dùng có xu hướng dành nhiều thời gian ở nhà hơn.

Một cơ hội khác cho thị trường này là việc ngày nay có nhiều người làm việc tại nhà. Trong các trường hợp này, tủ và giá sách với sức chứa lớn hơn là những sản phẩm được ưa thích.

Tuy nhiên, một thách thức nghiêm trọng đối với ngành này, đó là nhiều nhà sản xuất không thể tự xây dựng thương hiệu cho công ty của mình (đặc biệt là nhà sản xuất tại các nước đang phát triển) và không cập nhật công nghệ mới. Việc này gây khó khăn cho họ khi nỗ lực tham gia vào các chuỗi giá trị và vì thế không thể có được sức cạnh tranh trong dài hạn. Trong những trường hợp này, cạnh tranh về chi phí không phải là điều kiện tiên quyết duy nhất để đảm bảo có được lợi thế so sánh, đặc biệt trong bối cảnh các chi phí trên thị trường thế giới đang tăng lên. Bên cạnh đó, cần phải phát triển các thiết kế ban đầu của công ty bạn và tăng cường khả năng sáng tạo (Theo Sagren, 2003).

Một cơ hội rất lớn khác cho ngành này, đó là các sản phẩm nội thất phòng khách và phòng ăn thân thiện với môi trường đang ngày càng được người tiêu dùng EU ưa thích. Các sản phẩm đồ nội thất này có nguồn cầu cao trong hầu hết mọi lĩnh vực. Ở một số nước, người ta áp dụng nhãn sinh thái trên các sản phẩm đồ nội thất được làm từ một số nguồn gỗ nhất định. Trong một số trường hợp, nhà bán lẻ nội thất sẽ xác định rõ sản phẩm nào của họ đáp ứng các tiêu chuẩn về thân thiện với môi trường. Nguyên liệu tre đang ngày càng trở nên phổ biến nhờ có xu hướng này. Các xu hướng khác gần đây bao gồm cầu tăng lên đối với các sản phẩm nội thất được làm từ các nguồn gỗ rừng chắc chắn và đồ nội thất tái chế, trong đó có nhiều sản phẩm có thể tái chế theo các phong cách cá nhân. Vì vậy, những sản phẩm đồ nội thất có dán nhãn FSC sẽ có lợi thế cạnh tranh.

Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội từ xu hướng trên cũng có những thách thức phát sinh. Mối quan tâm đối với môi trường khiến cho nhiều người tiêu dùng không muốn thay thế đồ nội thất đã cũ. Họ cho rằng họ nên kéo dài thời gian sử dụng sản phẩm, đặc biệt với những sản phẩm không thể tái chế, hơn là mua các sản phẩm đồ nội thất mới.

Tại Hội chợ triển lãm Cologne 2010, màu trắng trở thành màu chủ đạo và được yêu thích nhất. Mặc dù có nhiều xu hướng liên quan tới các màu sắc khác, màu trắng vẫn là màu được sử dụng phổ biến nhất. Năm 2010, tại Triển lãm đồ nội thất Milan, một số nhà thiết kế hàng đầu của ngành đã đưa ra các màu như xanh lam, đỏ tươi, cam, hồng và xanh da trời nhằm tạo xu hướng về màu sắc cho đồ nội thất trong tương lai. Ngoài ra, thiết kế nội thất cũng rất đa dạng từ kim loại đục lỗ đến lưới và các chi tiết nhỏ. Nói về xu hướng thời trang, tại Triển lãm Milan, nổi lên xu hướng yêu thích các thiết kế mang đậm tính thôn quê cho các vùng nông thôn. Xu hướng này đã đem tới việc De Castelli cho ra mắt sản phẩm đồ nội thất được chế tác từ sắt với những mảnh nhỏ được mô phỏng theo hình chậu hoa. Năm 2010, doanh số bán mặt hàng này của hãng đã tăng 27%, mặc dù ngành nội thất Italia cũng như doanh số bán buôn mặt hàng này nói chung giảm 18,2%.

Một xu hướng khác nữa của ngành do các nhà tổ chức IMM Cologne xác định, đó là việc tăng sử dụng các loại gỗ tối màu, được kết hợp với thủy tinh và thép không rỉ. Gỗ và kim loại vẫn là những nguyên liệu được lựa chọn nhiều nhất.

Một thách thức khác nữa là sự thay đổi nhanh chóng của ngành đồ nội thất đã làm giảm tuổi thọ của các sản phẩm đồ nội thất. Vì thế, người tiêu dùng không sẵn sàng trả các sản phẩm có giá cao vì họ chỉ sử dụng sản phẩm trong thời gian ngắn hơn trước.

[Để xem các bài viết khác có cùng chủ đề “Thị trường EU”, vui lòng nhấn vào đây]

(Theo Vietrade – 09/2011)

Bình luận hay chia sẻ thông tin
  Từ khóa của bài viết:
  Chủ đề của bài viết: