Giải thích các thông tin vật lý và kỹ thuật của các loài gỗ ít được biết đến của Việt Nam

Tháng Bảy 18 03:54 2018

Tổng quan tính chất các loài gỗ

Ở nước ta, gỗ là vật liệu rất phổ biến, được sử dụng khá rộng rãi trong xây dựng và sinh hoạt vì nhiều ưu điểm như: Nhẹ, cách âm, cách nhiệt và cách điện tốt, dễ gia công (cưa, xẻ, khoan, bào…), vân gỗ có giá trị mỹ thuật cao.

Tuy nhiên, gỗ chưa qua chế biến vẫn tồn tại những nhược điểm lớn:
–    Cấu tạo và tính chất cơ lý không đồng nhất, thường thay đổi theo từng loại gỗ, từng cây và từng phần trên thân cây
–    Dễ hút và nhả hơi nước làm sản phẩm bị biến đổi thể tích, cong vênh, nứt tách
–    Dễ bị sâu nấm, mục mối phá hoại, dễ cháy
–    Có nhiều khuyết tật (mắt, khe nứt, thớ vẹo…) làm giảm khả năng chịu lực và gia công chế biến khó khăn

Ngày nay, với kỹ thuật gia công chế biến hiện đại, người ta có thể khắc phục được những nhược điểm trên, sử dụng gỗ một cách có hiệu quả hơn.

Trước khi đến với các bài viết chi tiết các loài gỗ ít được biết đến của Việt Nam, nhadep.net xin giới thiệu với các bạn một cách tổng quan tính chất cũng như giải thích, hướng dẫn đánh giá các thông tin lý tính, kỹ thuật các loài gỗ.

Giải thích về các thông tin lý tính

Khối lượng thể tích (KLTT) của gỗ là một tính chất vật lý hết sức quan trọng và là một trong những chỉ tiêu không thể thiếu để đánh giá giá trị và định hướng sử dụng gỗ. Do KLTT có mối liên quan tương đối chặt chẽ với nhiều tính chất khác của gỗ như khả năng co rút dãn nở, sức bền khi nén dọc, uốn tĩnh…nên dựa vào giá trị KLTT, người ta có thể suy ra một cách tương đối độ bền cơ học và tự nhiên của gỗ.

Độ co rút là tỉ lệ giữa kích thước của gỗ tươi với kích thước của gỗ ở độ ẩm 12% và được tính bằng %. Nó được đại diện bởi: co rút tiếp tuyến, xuyên tâm và thể tích

Giải thích một số thông tin kỹ thuật

– Uốn tĩnh: được đo vuông góc với thớ gỗ. Mô đun uốn tĩnh đàn hồi (MOE) phản ánh khả năng trở lại hình dạng ban đầu, trong khi mô đun uốn tĩnh (MOR) là điểm mà gỗ sẽ bị phá hủy.

– Ứng suất trượt: khả năng chống lại lực trượt dọc thớ cho tới điểm khi lực liên kết giữa các sợi gỗ nhỏ hơn lực tác dụng.

– Cường độ nén: khả năng chống lại lực nén gỗ lại với nhau. Cường độ nén được đo dọc và ngang với thớ gỗ.

– Độ cứng tĩnh: khả năng chống lại sự biến dạng khi dùng để thử nghiệm độ cứng.

– Độ bền tự nhiên: khả năng tự nhiên của gỗ chống lại các tác nhân sinh học (nấm, côn trùng) cũng như khí hậu gây ra những thay đổi ngoại hình và các thuộc tính cơ học.

[Để xem các bài viết có cùng chủ đề “Các loài gỗ ít được biết đến của Việt Nam”, vui lòng nhấn vào đây]

 

(Theo Giz và WWF)

(Còn tiếp)

Bình luận hay chia sẻ thông tin
  Từ khóa của bài viết:
  Chủ đề của bài viết: