15 mẹo hữu ích trước khi cách tân phòng tắm nhà bạn

Tháng Bảy 18 03:52 2018

Phòng tắm là nơi thư giãn lý tưởng sau những giờ phút mệt mỏi và việc cách tân lại phòng tắm nhà bạn cũng là một việc không kém phần quan trọng. Tuy nhiên, trước khi lựa chọn gạch lát nền hoặc là thiết kế những ống dẫn nước, bạn nên xem xét kỹ lại để biến ước mơ thành sự thật hoàn hảo hơn.

Hãy khám phá từng chi tiết của hình ảnh trong bài viết
bằng cách nhấn vào ảnh để xem ở chế độ chất lượng cao

Sau đây, nhadep.net sẽ giới thiệu 15 việc cần làm trước khi cách tân phòng tắm nhà bạn để đảm bảo quá trình thực hiện không những thành công mà còn ít tốn kém thời gian và chi phí.

1. Chi phí

Hãy sẵn sàng lên kế hoạch ước tính các khoản chi phí. Việc tính toán chi phí phù hợp sẽ giúp bạn dễ dàng ra quyết định trong khả năng của mình như việc lựa chọn ống nước, những vật dụng trang trí phòng tắm, v.v…

2. Thời gian

Rất nhiều người nghĩ rằng việc cách tân phòng tắm bé nhỏ sẽ chỉ diễn ra trong vài ngày thậm chí là vài giờ. Không hẳn là vậy! Dù phòng tắm nhà bạn lớn hay nhỏ thì phải tùy thuộc vào mức độ thay đổi mà tính toán thời gian phù hợp.

Tuy nhiên, thời gian thực hiện không chỉ gói gọn trong quá trình xây dựng mà còn ở những công đoạn chuẩn bị như đặt hàng hay mua những vật dụng, nguyên liệu xây dựng,…để đảm bảo việc giao hàng không chậm trễ. Kế hoạch thời gian là điều thiết yếu cho những hộ gia đình chỉ có một phòng tắm và cần phải có một phòng tắm khác trong thời gian sửa chữa.

3. Sắp xếp thứ tự công việc

Khi bạn lên kế hoạch rõ ràng cho từng hạng mục công việc phải hoàn thành thì bạn sẽ không gặp phải sai sót và mất nhiều thời gian. Chẳng hạn như bạn muốn gỡ bỏ những tấm ván trần hoặc chỉ đơn giản là sơn chúng lại thì bạn nên bắt đầu từ vị trí cao nhất trong phòng. Bạn nên sửa trần nhà trước, sau đó đến tường và cuối cùng là nền để tránh gây hư hại cho những vật dụng mới.

4. Những vấn đề tiềm tàng

Hãy đặt tâm huyết vào công việc cách tân này và khi công việc được tiến hành chuyên nghiệp thì những khó khăn sẽ là con số 0. Phòng tắm nhà bạn sẽ thật hoàn hảo và giúp ngôi nhà của bạn trở nên tuyệt vời hơn theo năm tháng. Dựa vào độ tuổi của ngôi nhà và mức độ hư hỏng bạn có thể dự tính được sự hư hại của nguồn nước, của kết cấu nền nhà hay việc tắt nghẽn các ống dẫn nước cũ và việc vòi hoa sen không dẫn được nước.

5. Kết cấu và phong cách trang trí

Bạn muốn sắp xếp và trang trí phòng tắm của mình như thế nào? Có rất nhiều vấn đề cần được xem xét như màu sơn, loại gạch lát nền, bồn rửa mặt, vòi hoa sen, ống nước,…Bạn có thể gom những vật trang trí nhỏ lại với nhau và tạo nên một tổng thể phong cách đặc biệt hoặc bạn cũng có thể chọn những vật dụng mà bạn muốn để thiết kế phòng tắm theo ý thích.

Cần lưu ý rằng, thiết kế phải phù hợp với cấu trúc để tạo ra sự thoải mái cho người sử dụng và quan trọng hơn là phù hợp với tổng thể của ngôi nhà.

6. Đo lường

Có 3 vấn đề về kích thước khi cách tân phòng tắm bạn cần chú trọng. Thứ nhất là kích thước chung của cả phòng tắm (đặc biệt là nhà có diện tích nhỏ). Thứ hai là vị trí ống dẫn nước và kéo dây điện. Và cuối cùng là kích thước của những vật dụng. Phải đảm bảo bạn đã đo lường chính xác trước khi đến cửa hàng nếu không muốn gặp phiền toái khi mua nhầm những vật dụng không phù hợp.

7. Thợ xây dựng

Bạn nghĩ thế nào nếu thuê một thợ xây dựng cho công việc mà bạn có thể tự làm? Đây chính là một quyết định thông minh giúp bạn không phải đương đầu với hàng tá công việc phức tạp hay những vấn đề khó khăn như mắc dây điện, lát gạch, lắp ống dẫn nước,…Vì thế, đừng bỏ qua những lợi ích của việc thuê một thợ xây và giảm tải cho bản thân những việc nặng nhọc.

8. Sửa sang hệ thống ống nước

Không có sự cách tân nào là hoàn thiện nếu thiếu việc sửa chữa hệ thống ống nước. Chỉ riêng việc này sẽ nảy sinh vô số các vấn đề cần quan tâm: vòi sen, bồn tắm, nhà vệ sinh, bồn rửa mặt, vòi nước, vòi hoa sen. Bạn cũng nên đổi mới gương và các cửa phòng tắm. Không gian phòng tắm có thể sẽ hoàn toàn khác khi bạn cách tân các chi tiết nhỏ như tay nắm cửa, các ngăn kéo và cửa phòng tắm vòi sen. Nếu bạn có đủ tiền, hãy mạnh dạn đầu tư một bộ cửa mới để tận hưởng một không gian nhà tắm hoàn toàn mới mẻ.

9. Các kệ và ngăn kéo

Các kệ và ngăn kéo chứa vật dụng thường là một vấn đề nan giải. Trong những phòng có không gian nhỏ và cấu trúc lạ như phòng tắm, vấn đề còn phức tạp hơn. Các kệ và ngăn kéo cần phải tiện dụng, chứa được nhiều thứ, phải dễ cất vào lấy ra khi cần, phải phù hợp với khoảng không khiêm tốn và đồng thời, phải thật đẹp mắt.

10. Tường và sàn nhà

Gần như mọi vật liệu đều có thể sử dụng để lát bề mặt tường và sàn nhà trong phòng tắm, miễn là có chống thấm nước (có thể chống thấm tự nhiên hay chống thấm nhờ vật liệu tráng bề mặt). Tùy vào túi tiền và phong cách bạn thích, gạch lát bằng gốm sứ, cẩm thạch, đá granit đều làm nên những bề mặt tường và sàn vừa bền vừa đẹp cho phòng tắm của bạn.

Riêng với sàn nhà, bạn còn có các lựa chọn khác như xi măng (sơn màu hoặc nhuộm màu), nhựa vinyl hay gạch vinyl. Những vật liệu này đều ít tốn kém và ngày càng có mẫu mã đẹp hơn. Dù bạn chọn vật liệu nào, hãy luôn nhớ tiêu chí cốt yếu khi chọn lựa: độ bền và không gây trơn trượt.

11. Chiếu sáng

Một phòng tắm có thể trở nên nguy hiểm nếu không có hệ thống chiếu sáng đầy đủ, vì thế hãy chú ý thiết kế ánh sáng sao cho vừa hữu dụng vừa tạo nên hiệu ứng phù hợp. Ưu tiên tối đa hóa ánh sáng tự nhiên trước, sau đó đến ánh sáng nhân tạo (đối với ánh sáng nhân tạo, nên lắp đặt sao cho có ánh đèn sợi đốt ít nhất 12W/ m2).

12. Các phụ kiện

Mặc dù các phụ kiện không quan trọng lắm trong tổng thể quá trình làm mới phòng tắm, nhưng không có sự đổi mới nào là hoàn hảo nếu không có các phụ kiện mới. Những chi tiết tưởng chừng nhỏ nhặt như các khăn tắm, đĩa đựng xà phòng, gương, giá treo quần áo, thảm tắm, v.v khi được thay mới sẽ làm nên gian nhà tắm mới mẻ. Nếu bạn cần tiết kiệm chi phí, đầu tư vài chiếc khăn nhỏ mới sẽ tốt hơn là không quan tâm gì đến khoản này.

13. Thông gió

Hệ thống thông gió là thiết yếu đối với một không gian ẩm ướt như phòng tắm, đồng thời cũng là một việc khó làm và cần vạch kế hoạch cẩn thận. Cần phải chọn đúng loại quạt phù hợp, vị trí lắp đặt thuận tiện và xử lý công đoạn đi dây điện. Luồng khí được thông thoáng liên tục cũng giúp chống lại quá trình gỗ mục  và các vật liệu cách ly bị mất tác dụng.

14. Hướng về thiên nhiên

Ngay cả khi bạn không quan tâm gì đến phong cách sống hướng về thiên nhiên, xu hướng thiết kế trang trí vẫn đang theo trào lưu này, vì thế đây là một yếu tố đáng quan tâm. Có nhiều lựa chọn vừa hợp với xu hướng, vừa hợp với túi tiền vừa phải như: bồn cầu dạng nước thấp, sử dụng ít nước hơn và giúp bạn tiết kiệm tiền nước, sơn không có hoặc ít hàm lượng chất hữu cơ bay hơi, bàn trang điểm làm từ các gỗ trồng theo phương pháp bảo vệ môi trường, bề mặt bàn thủy tinh có thể tái chế, v.v

15. Bước làm sạch cuối cùng

Bước làm sạch cuối cùng bao gồm tẩy sạch tất cả các kệ, tủ, từ trong ra ngoài, làm sạch các đường ống, tường, sàn nhà, cửa sổ và các chân đèn. Bước này thông thường không được xem trọng trong kế hoạch làm mới phòng tắm, nhưng khi làm mới một không gian rộng thật thấu đáo, bạn có thể cần phải thuê các dịch vụ tẩy rửa chuyên nghiệp, cũng có nghĩa là sẽ tốn thêm phí và thâm hụt thêm vào ngân sách. Nếu bạn quyết định tự làm bước này, bạn có lẽ nên thêm vào 1-2 ngày trong kế hoạch cách tân phòng tắm ban đầu.

[Để xem các bài viết khác có cùng chủ đề “Giải pháp thiết kế”, vui lòng nhấn vào đây]

 

 

(Theo FresHome)

Bình luận hay chia sẻ thông tin