Doanh nghiệp gỗ vượt khó

Tháng Mười Một 22 03:56 2014

Năm 2011, kim ngạch ngành chế biến gỗ xuất khẩu đạt 3,9 tỉ USD, tăng 14,4% so với 2010. Đây thực sự là một con số hết sức ấn tượng, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế đang trong tình trạng bất ổn. Thế nhưng một thực tế là đa số các doanh nghiệp có năng lực vẫn chỉ mải mê chinh phục các thị trường xuất khẩu, bỏ ngỏ thị trường nội địa vốn dĩ rất giàu tiềm năng, nhu cầu tiêu thụ lại lớn. Đây thực sự là một bất cập lớn của ngành gỗ Việt Nam….

Có thể dễ dàng nhận thấy chỉ trong vài năm trở lại đây, ngành chế biến gỗ Việt Nam đã có sự tăng trưởng vượt bậc cả về năng lực, giá trị sản xuất lẫn thị trường xuất khẩu. Sau những bất ổn của nền kinh tế thế giới, Bộ Công Thương cho biết thị trường xuất khẩu gỗ của Việt Nam đang dần phục hồi trở lại. Những thị trường mới màu mỡ như Nga, Ấn Độ, Trung Đông… cũng đã được doanh nghiệp chủ động tiếp cận thành công. Đồ gỗ Việt Nam tự hào hiện diện tại 163 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới; trong đó 3 thị trường chính của ngành gỗ là Mỹ, EU và Nhật Bản đang có sự phục hồi tốt sau suy thoái. Hội đồng xuất khẩu gỗ cứng Hoa Kỳ (AHEC) đã đánh giá Việt Nam là nước dẫn đầu trong khối ASEAN về uy tín và mặt hàng, sản lượng sản phẩm gỗ xuất khẩu.

Doanh nghiep go vuot kho

Theo Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (Viforest), năm 2012 nhu cầu sản phẩm gỗ chế biến thị trường thế giới còn lớn hơn, không ít công ty đã nhận đơn hàng gần hết quý II/2012. Phát huy thành công của năm qua, năm 2012 ngành gỗ đặt chỉ tiêu xuất khẩu khoảng 4,3 tỉ USD, tăng 400 triệu USD so với năm 2011. Tuy nhiên để đạt mục tiêu đề ra không phải là chuyện dễ dàng, nhất là trong bối cảnh ngành công nghiệp gỗ Việt Nam còn phải đối mặt với những thách thức mới khi các nước trong khu vực ASEAN liên kết lại để tăng sức cạnh tranh, tạo sức ép không nhỏ đối với các doanh nghiệp gỗ trong nước.

Có nhiều giải pháp được đặt ra cho ngành gỗ Việt Nam để có thể hoàn thành xuất sắc mục tiêu đề ra cho năm 2012, trong đó chinh phục thị trường nội địa được xem là hướng đi linh hoạt và hiệu quả nhất trong bối cảnh hiện nay. Có thể thấy nhiều năm nay, doanh nghiệp gỗ Việt Nam đổ xô vào xuất khẩu mà hầu như bỏ quên thị trường nội địa, để trống “sân nhà” cho các “đại gia” Trung Quốc, Đài Loan mặc sức tung hoành. Theo ông Nguyễn Chiến Thắng – Chủ tịch Hội Mỹ Nghệ và Chế biến gỗ Tp.HCM (HAWA), thị trường đồ gỗ tại Việt Nam có tiềm năng lớn do đời sống người dân người dân ngày càng được nâng cao; sức tiêu thụ các mặt hàng gỗ gia dụng, trang trí nội thất đang gia tăng, nhất là chất lượng hàng hóa và kiểu dáng sản phẩm hoàn toàn phù hợp với thị hiếu và phong cách sống của người Việt Nam. Tuy nhiên hầu như suốt thời gian qua, thị trường tiềm năng này bị bỏ ngỏ, đặc biệt là thị trường khu vực nông thôn. Một đại diện của Viforest nhận định: “Các cửa hàng bán đồ gỗ nhập khẩu nhan nhản tại khắp các thành phố lớn trong cả nước chứng tỏ thị trường nội địa đã tương đối phát triển. Tuy nhiên hầu như các doanh nghiệp lớn của Việt Nam đều chưa thấy hết tiềm năng cũng như chưa dành sự quan tâm đúng mức cho thị trường nông thôn”.

Cũng theo ông Thắng, thực tế hiện nay nhu cầu đồ gỗ và đồ gỗ cao cấp trong nước đang có sự gia tăng nhanh chóng. Cũng như các ngành kinh tế khác, doanh thu từ thị trường nội địa của ngành gỗ tương đương với doanh số xuất khẩu, điều này cũng phần nào chứng tỏ tiềm năng và sức tiêu thụ không nhỏ của thị trường này. Nếu khai thác tốt thị trường nội địa, không chỉ dừng lại ở gia tăng doanh thu, doanh nghiệp còn tiến dần đến mục tiêu tăng trưởng và phát triển ổn định, không phải rơi vào tình trạng lao đao khi nền kinh tế thế giới biến động như thời gian qua. Với chất lượng vượt trội, giá thành cạnh tranh, chi phí vận chuyển thấp…., đồ gỗ mang thương hiệu Việt hoàn tòan đủ sức đánh bật hàng ngoại để chiếm lĩnh “sân nhà”.

Ông Nguyễn Tôn Quyền – Chủ tịch Viforest cho biết chính vì nhiều doanh nghiệp gỗ chỉ mải mê chinh phục các thị trường xuất khẩu và lãng quên thị trường nội địa nên khi kinh tế thế giới biến động, chính các doanh nghiệp này lại chịu tác động nhiều nhất, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của toàn ngành. Quay trở lại “sân nhà” sẽ là động lực cho sự tồn tại và phát triển bền vững của doanh nghiệp. Ông Quyền chia sẻ: “Chúng tôi luôn kêu gọi các doanh nghiệp là nên chú ý đến thị trường trong nước”. Thực tế, trong những năm kinh tế thế giới suy thoái, xuất khẩu gỗ đã chững lại, ý thức chinh phục thị trường nội địa đã được nhiều doanh nghiệp thuộc Hiệp hội quan tâm bởi chinh phục thị trường nước ngoài mới chỉ giúp ngành gỗ đứng trên một chân, dễ mất thăng bằng khi kinh tế thế giới có biến động. Việc củng cố thúc đẩy quảng bá, đưa hàng hóa đến người dân nhiều hơn đã tạo hậu phương vững chắc để ngành gỗ vượt qua khó khăn khi nguồn nhập khẩu thu hẹp. Ông Huỳnh Văn Hạnh – Phó Chủ tịch HAWA cho biết trong năm 2011 vừa qua, hầu hết các doanh nghiệp có mức tăng trưởng dương và xuất khẩu tốt là những doanh nghiệp đã đầu tư tốt thị trường nội địa. Vì vậy, HAWA khuyến cáo các doanh nghiệp gỗ trong thời gian tới phải có chiến lược quảng bá và phân phối sản phẩm ngay tại thị trường trong nước, tránh phụ thuộc vào một vài thị trường để hạn chế rủi ro.

Đồng tình với ông Hạnh, ông Võ Trường Thành – Chủ tịch Tập Đoàn kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Kỹ Nghệ Gỗ Trường Thành khẳng định đồ gỗ và thủ công mỹ nghệ Việt Nam đã chinh phục được thị trường thế giới, do đó việc quay trở về làm chủ thị trường nội địa không phải là nhiệm vụ khó, vấn đề nằm ở quyết tâm và tầm nhìn của doanh nghiệp. Điều quan trọng là doanh nghiệp cần thay đổi công nghệ, tổ chức lại khâu sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và cải tiến mẫu mã cho phù hợp thị hiếu của người tiêu dùng nội địa. Kiên trì, quyết tâm và có chiến lược phù hợp thì mục tiêu quay trở về chinh phục “sân nhà” của doanh nghiệp hoàn toàn nằm trong tầm tay…

[Để xem các bài viết khác có cùng chủ đề “Kênh phân phối nội địa”, vui lòng nhấn vào đây]

 

(Theo Vietnam Business Forum – 08/03/2012)

Bình luận hay chia sẻ thông tin
  Từ khóa của bài viết:
  Chủ đề của bài viết: