Bỏ ngỏ thị trường gỗ nội địa

Tháng Mười Một 29 03:56 2014

Hiện nay thị trường đồ gỗ nội địa của Việt Nam thiếu kênh phân cho sản phẩm, nhất là đồ gỗ của các làng nghề khó tiếp cận với ngay cả thị trường nội địa, đây chính là một trong những hạn chế cần được nghiên cứu và khắc phục càng sớm, càng tốt.

Thiếu kênh phân phối
Tại Hội nghị xúc tiến thị trường gỗ nội địa hướng tới các làng nghề gỗ vừa diễn ra tại Nam Định, ông Võ Thành Đô- Phó Cục trưởng Cục chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NN & PTNT) cho biết, trong những năm qua, thị trường đồ gỗ nội địa của Việt Nam đã có nhiều chuyển biến mạnh mẽ, bình quân tiêu dùng đồ gỗ nội địa trong 5 năm gần đây khoảng 2,25 tỷ USD, trung bình khoảng 31,7 USD/người. Đối tượng tiêu dùng chủ yếu gỗ nội địa gồm công trình xây dựng chiếm 40%, tiêu dùng nông thôn chiếm 30% và tiêu dùng thành thị chiếm 30%.

go

Mặc dù vậy, hiện nay thị trường đồ gỗ nội địa của Việt Nam thiếu kênh phân cho sản phẩm của đồ gỗ Việt Nam, nhất là đồ gỗ của các làng nghề khó tiếp cận với ngay cả thị trường nội địa… Nguyên nhân cơ bản do việc sản xuất và tiêu thụ đồ gỗ phần lớn là độc lập, khép kín theo kiểu bán buôn nhỏ hoặc tự sản tự tiêu, chưa hình thành được hệ thống phân phối sản phẩm hợp lý và định hướng tiêu dùng nội địa…

Ông Nguyễn Thế Trường- Trưởng phòng Phát triển nông nghiệp nông thôn (Sở NN & PTNT tỉnh Nam Định) chia sẻ, Nam Định hiện có khoảng 300 doanh nghiệp (DN) chế biến gỗ, tập trung tại các huyện có nhiều làng nghề như: Ý Yên, Nam Trực, Hải Hậu, Xuân Trường. Tuy nhiên, các DN sản xuất đồ gỗ tại Nam Định gần như bỏ ngỏ thị trường gỗ nội địa. Hiện nay, chỉ có một số DN chế biến gỗ tại các làng nghề đang xúc tiến thương mại, phát triển thị trường trong nước bằng hình thức mở các cửa hàng, siêu thị nội thất hay xây dựng mạng lưới đại lý bán lẻ nhằm khai thác các lợi thế từ thị trường này. “Khó khăn lớn nhất của phần lớn các doanh nghiệp khi hướng vào thị trường nội địa là chưa tạo được thương hiệu sản phẩm để người tiêu dùng biết tới, chưa tạo ra được những sản phẩm có thiết kế phù hợp thị hiếu thị trường, chưa tổ chức tốt hệ thống phân phối sản phẩm và giá bán còn cao”, ông Trường nói.

Đẩy mạnh liên kết tạo đòn bẩy
Hiện nay, một số làng nghề bước đầu đã hình thành sự liên kết phân công lao động theo chuyên môn hóa như Làng gỗ Đồng Kỵ liên kết với các làng lân cận như Hương Mạc, Phù Khê, Tam Sơn (Từ Sơn, Bắc Ninh), Văn Môn, Đông Thọ (Yên Phong, Bắc Ninh) lập thành một hệ thống sản xuất đồ gỗ theo dây chuyền. Tuy nhiên, việc tiêu thụ sản phẩm đồ gỗ trong nước thì ít thấy có sự liên kết giữa các doanh nghiệp, các hộ sản xuất các làng nghề gỗ, thậm chí còn cạnh tranh lẫn nhau không lành mạnh. Để giải quyết được vấn đề trên, theo ông Trịnh Quốc Đạt- Phó chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam, các địa phương cần có qui hoạch chiến lược lâu dài về phát triển sản xuất làng nghề trong đó có làng nghề gỗ. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích liên kết giữa các làng nghề gỗ, liên kết giữa các DN gỗ trong tiêu thụ sản phẩm; đồng thời hỗ trợ xúc tiến thương mại cho các tổ chức liên kết tiêu thụ sản phẩm của các làng nghề gỗ và các DN ngành gỗ.

Theo ông Nguyễn Mạnh Dũng- Trưởng phòng chế biến (Cục chế biến, Bộ NN & PTNT), trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, Bộ NN & PTNT đã định hướng và xây dựng các giải pháp để phát triển thị trường nội địa đối với đồ gỗ chế biến nhằm đạt mức 4,0 tỷ USD vào năm 2020.

[Để xem các bài viết khác có cùng chủ đề “Kênh phân phối nội địa”, vui lòng nhấn vào đây]

 

(Theo Báo Công Thương – 10/07/2014)

Bình luận hay chia sẻ thông tin
  Từ khóa của bài viết:
  Chủ đề của bài viết: