Ngành gỗ cần đi cả hai chân

Tháng Mười Một 21 03:56 2014

Với kim ngạch xuất khẩu năm 2010 dự kiến đạt 3,2 – 3,3 tỷ USD (mục tiêu 3 tỷ USD), đồ gỗ trở thành mặt hàng xuất khẩu có giá trị thứ 5 của Việt Nam. Tuy nhiên, thị trường đồ gỗ trong nước đang bị nước ngoài chiếm lĩnh.

Doanh số nhu cầu nội địa hàng năm vào khoảng 3 tỷ USD, 80% chủ yếu hàng từ Trung Quốc, Indonesia, Malaysia.

Lớn mạnh qua xuất khẩu

Sản phẩm đồ gỗ chế biến Việt Nam đã có mặt ở 120 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, 3 thị trường chính của ngành gỗ là Mỹ, EU và Nhật Bản và các thị trường này đã có sự phục hồi tốt trong năm nay. Thị trường Mỹ tăng trưởng đến 15%, EU khoảng 8%…

Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (Viforest) cho rằng, năm 2011 nhu cầu sản phẩm gỗ chế biến thị trường thế giới còn lớn hơn, không ít công ty đã nhận đơn hàng gần hết năm 2011.

Với tốc độ hiện nay, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ chế biến nhiều khả năng vượt 4 tỷ USD, tăng khoảng 30% so với năm 2010.

Cùng với việc gia tăng kim ngạch thì năng lực chế biến gỗ của các DN Việt Nam cũng tăng gấp 4-5 lần so với năm 2003, khiến tỷ lệ giá trị nguyên liệu gỗ so với trị giá xuất khẩu thành phẩm giảm từ trên 50% xuống 37%.

Năm 2009, lần đầu tiên sau nhiều năm, kim ngạch xuất khẩu gỗ Việt Nam chững lại do suy thoái kinh tế thế giới. Chính từ sự kiện này, các DN nhận thấy, nếu chỉ chú trọng chinh phục thị trường nước ngoài thì coi như đứng trên một chân, sẽ khó “thăng bằng” khi thị trường luôn biến động. Cần phải có “chân trong” vững vàng làm hậu thuẫn.

Trong khi có tới hơn 2.500 DN tham gia xuất khẩu đồ gỗ thì số đơn vị chịu đầu tư khai thác thị trường nội địa chỉ chiếm trên đầu ngón tay. Có thể nói, DN đồ gỗ Việt Nam đang gần như bỏ trống thị trường nội địa.

Nganh go can di bang 2 chan_01DN đồ gỗ Việt Nam đang gần như bỏ trống thị trường nội địa.

Phát triển hệ thống phân phối để trở lại “sân nhà”

Ông Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM  (HAWA) đánh giá, mấy năm gần đây, thị trường bất động sản hình thành nhiều dự án, khách sạn, resort lớn được xây dựng, cộng thêm nhu cầu tiêu thụ từ 86 triệu dân nên có thể nói, thị trường đồ gỗ nội địa đang mở ra nhiều cơ hội làm ăn cho doanh nghiệp.

Theo đánh giá của ông Thắng, quy mô thị trường nội địa tương đương thị trường xuất khẩu. Theo HAWA, chỉ riêng nhu cầu nội thất ở những dự án căn hộ cao cấp tại TP.HCM và Hà Nội cũng đã lên đến cả trăm triệu USD mỗi năm.

Khi kinh tế xã hội phát triển, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm gỗ trong nước tăng trưởng bình quân 15%/năm, gấp đôi mức tăng trưởng thế giới, đặc biệt lợi nhuận từ thị trường nội địa còn cao hơn xuất khẩu. Lợi thế của các DN là sân nhà, chi phí vận chuyển thấp, đặc biệt am hiểu thị hiếu và phong cách sống của người Việt Nam.

Thực tế cho thấy đồ gỗ do DN Việt Nam chế biến hoàn toàn có khả năng đánh bại hàng nước ngoài, đa số là hàng chất lượng trung bình và thấp. Thực tế, những cửa hàng nội thất của Hoàng Anh Gia Lai, Chi Lai, Nhà Xinh, Trường Thành… thời gian qua đã có những bước chinh phục thị trường nội địa một cách chắc chắn.

Ngày 18/11 vừa qua, gần 150 DN tiêu biểu ngành gỗ trong và ngoài nước với 400 gian hàng đã tập trung tại Hội chợ Đồ gỗ và trang trí nội thất Việt Nam VIFA Home 2010. Mục đích chính của những nhà chế biến gỗ Việt Nam tại hội chợ lần này là chiếm lại “sân nhà” vốn bị bỏ quên bấy lâu nay.

Tại Hội chợ, ông Nguyễn Chiến Thắng cho biết, hầu hết DN đều đã quen sản xuất với đơn hàng lớn, nay để khai thác thị trường nội địa gặp không ít khó khăn về số lượng, thị hiếu, nhưng quan trọng nhất là hệ thống phân phối. Vì vậy tổ chức hội chợ thường xuyên là dịp để nắm bắt nhu cầu và thị hiếu người tiêu dùng.

Sau hội chợ, ông Thắng cho rằng, các DN có thể cùng hình thành công ty chuyên về phân phối mặt hàng gỗ chế biến cho các DN. Vì năng lực, tay nghề, đội ngũ thiết kế của DN không thiếu, chỉ thiếu hệ thống tiêu thụ phân phối. Điều này bản thân từng DN chưa thể làm được.

Tuy nhiên, để khai thác hiệu quả cơ hội như đánh giá của ông chủ tịch HAWA không hề đơn giản chút nào. Để một DN làm hàng xuất khẩu có thể thâm nhập nội địa, điều kiện cần là họ phải xây dựng đội ngũ thiết kế, marketing, thăm dò thị trường, tư vấn, sau đó xây dựng hệ thống phân phối… Trong khi đó, khi làm hàng xuất khẩu, họ không phải tốn công sức thiết lập những công việc này. Nhà nhập khẩu thường đưa đơn hàng, mẫu thiết kế sẵn và họ chỉ việc sản xuất, sau đó giao hàng lấy tiền.

Trên thực tế, chưa có nhiều những doanh nghiệp có đủ khả năng tổ chức đội ngũ thiết kế theo yêu cầu khách hàng hoặc tự đứng ra điều tra tâm lý, thị hiếu sử dụng đồ gỗ để sản xuất ra hàng loạt sản phẩm cho khách hàng lựa chọn. Hơn nữa, quy mô đơn hàng nội địa thường nhỏ, cách thức thanh toán rườm rà, phải nợ gối đầu cũng khiến DN chưa mặn mà.

“Muốn sản phẩm có chỗ đứng bắt buộc phải tốn thêm nhiều chi phí đầu tư. Quy mô đơn hàng nội địa thường quá nhỏ nhưng lại yêu cầu nhiều mẫu mã nên nhiều doanh nghiệp ngại làm”, bà Ngô Thị Hồng Thu, Phó Tổng giám đốc công ty Trường Thành nói.

Đó là những bất cập mà DN gỗ cần vượt qua.

[Để xem các bài viết khác có cùng chủ đề “Kênh phân phối nội địa”, vui lòng nhấn vào đây]

 

(Theo VGP News – 23/11/2010)

Bình luận hay chia sẻ thông tin
  Từ khóa của bài viết:
  Chủ đề của bài viết: