Các loại gỗ mềm thông dụng (Phần 5) – Gỗ Bụt mọc

Tháng Bảy 18 03:56 2018

Các bạn đang xem phần 5 của loạt bài “Các loại gỗ mềm thông dụng”, để xem phần 4, vui lòng nhấn vào đây.

Đặc điểm

Chi Bụt mọc (danh pháp khoa học: Taxodium) là một chi của 1-3 loài (phụ thuộc vào quan điểm phân loại), cây lá kim chịu ngập lụt tốt trong họ Hoàng đàn (Cupressaceae). Trong phạm vi họ Hoàng đàn, chi Taxodium có quan hệ họ hàng gần gũi nhất với Thủy tùng (Glyptostrobus pensilis) và Liễu sam (Cryptomeria japonica).

Hãy khám phá từng chi tiết của hình ảnh trong bài viết
bằng cách nhấn vào ảnh để xem ở chế độ chất lượng cao

Ba loài trong chi Taxodium được coi là riêng biệt, mặc dù một số nhà thực vật học chỉ coi chi này chứa 1 hoặc 2 loài, với (các) loài còn lại được coi như là các thứ (varieta) của loài đầu tiên được miêu tả ở đây. Cả ba loài này là khác biệt về mặt sinh thái học, chúng sinh sống trong các môi trường khác nhau, nhưng dễ dàng lai ghép khi gặp nhau.

Taxodium distichum – Bụt mọc

Loài phổ biến nhất trong chi là Bụt mọc, sinh sống chủ ýếu ở đông nam Hoa Kỳ, từ Delaware tới Texas và trong đất liền tới sông Mississippi và miền nam Indiana. Loài này chủ ýếu sinh sống dọc theo các con sông với đất giàu phù sa do ngập lụt.

Taxodium ascendens – Bụt mọc ao

Bụt mọc ao cũng sinh sống trong khu vực cùng với Bụt mọc, nhưng chỉ có ở khu vực đồng bằng ven biển phía đông nam, từ Bắc Carolina tới Louisiana. Nó xuất hiện trong các sông nước đen chảy chậm, ao hồ và đầm lầy mà không có các trầm tích ngập lụt giàu phù sa.

Taxodium mucronatum – Bụt mọc Montezuma

Bụt mọc Montezuma có từ khu vực Rio Grande về phía nam tới các cao nguyên ở miền nam Mexico, và khác với hai loài nói trên ở chỗ nó là thường xanh. Một cây tại Santa Maria del Tule ở bang Oaxaca, với tên gọi Árbol del Tule, cao 43 m và có đường kính thân cây lớn nhất trong số các cây gỗ còn sinh tồn (11,42 m). Các cây trong loài này mọc ven sông (sinh sống ven hai bờ sông suối), chứ không phải các đầm lầy như Bụt mọc và Bụt mọc ao.

Điểm nổi bật của loài là có rễ thở trông giống như đức Phật nên được gọi là cây Bụt mọc. Cây rụng lá dễ nhận biết.

Giá trị

Các loài Bụt mọc được đánh giá cao vì gỗ của chúng, trong đó phần gỗ lõi có khả năng chống chịu mối mọt rất cao, với ngoại lệ đáng chú ý là một loài nấm ký sinh (Stereum taxodii), làm cho một số cây bị thương tổn trở thành rỗng ruột và vì thế không cung cấp gỗ có giá trị. Gỗ Bụt mọc đã từng được sử dụng nhiều trong thời gian trước đây tại Đông Nam Hoa Kỳ để làm ván ốp. Lớp vỏ thân cây được nghiền vụn của chúng được dùng làm lớp phủ bổi trong nông nghiệp, mặc dù tốc độ thu hoạch hiện tại của sản phẩm này là không xác nhận được và gây ra các tổn thất môi trường đáng kể, đặc biệt là tại khu vực miền nam Hoa Kỳ, nơi mà các ranh giới đốn hạ không được tuân thủ chặt chẽ.

Gỗ nhẹ, trắng, mềm, không bi co rút, ít mối mọt, chịu ẩm nên được dùng để đóng thùng đựng rượu, đựng nước, bàn ghế. Nón của cây được dùng làm thuốc trị thấp khớp. Được nhập trồng vào nước ta từ lâu và trồng khá rộng, suốt từ Bắc tới Nam, song không rõ nguồn gốc. Cây trồng chủ yếu cho mục đích cảnh quan và được trồng từ lâu nên cần khuyến khích mở rộng gây trồng.

[Để xem các bài viết khác có cùng chủ đề “Gỗ nguyên liệu”, vui lòng nhấn vào đây]

 

(Nguồn: Tổng hợp/ Hình ảnh được sưu tầm)

Bình luận hay chia sẻ thông tin
  Từ khóa của bài viết:
  Chủ đề của bài viết: