Đồ gỗ: Lo xuất khẩu quên nội địa

Tháng Mười Một 24 03:56 2014

Việt Nam đang đứng thứ sáu trên thế giới về xuất khẩu đồ gỗ, đứng thứ hai ở châu Á và đứng đầu khu vực Đông Nam Á. Tuy vậy, ngành này gần như bỏ quên sân nhà. Chỉ đến khi khó khăn mới tính chuyện quay về thì đã bị hàng nhập ngoại chiếm giữ.

Ăn theo dân xây dựng

Trong khuôn khổ hội chợ Vifa Home 2012 đang diễn ra, các nhà sản xuất đồ gỗ cho thấy mong muốn trở về nội địa bằng cách liên kết với hội kiến trúc sư để tìm ra hướng thiết kế phù hợp.

Ông Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch Hawa, cho biết: “Việc tạo nên liên kết giữa nhà sản xuất đồ gỗ nội thất và các nhà tư vấn kiến trúc là việc tạo đầu ra cho các doanh nghiệp đồ gỗ trên thị trường nội địa. Mối liên kết này nhằm hỗ trợ nhau tốt hơn để mang đến lợi ích thiết thực cho người tiêu dùng trong nước. Cụ thể, với sân chơi mới này, các nhà tư vấn đóng vai trò cầu nối giúp các nhà sản xuất hiểu hơn về xu hướng và nhu cầu của người tiêu dùng cũng như trong thiết kế của chính họ. Đồng thời, nó cũng giúp các nhà tư vấn kiến trúc giới thiệu đến khách hàng của mình những sản phẩm thật sự phù hợp với phong cách và sở thích của gia chủ với mức chi phí hiệu quả hơn”.

Nếu như năm 2009 – 2010, tỷ lệ tiêu thụ sản phẩm gỗ nội thất sản xuất tại Việt Nam so với hàng nội thất nhập khẩu là 20/80, thì hiện nay cán cân này đã khá cân bằng, với tỷ lệ 40/60. Điều này kéo theo mức tăng trưởng đồ gỗ nhập khẩu xuống thấp rõ rệt, từ 36%/năm trong những năm 2008 – 2009 giảm xuống còn 5%/năm trong những năm 2010 – 2011.

Theo xu hướng đó, các nhà sản xuất cũng dần tập trung hơn vào thị trường trong nước bằng cách mở thêm các cửa hàng bán sản phẩm cho nội địa như Danh Mộc Furniture, Mifaco, Lavanto, Thiên Ấn, Trần Đức …

KTS Nguyễn Trường Lưu, Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.HCM, cho rằng, khoảng trống hiện nay rất rõ do thiếu sự hợp tác giữa các nhà sản xuất và nhà thiết kế. Thị trường nhà ở vốn đóng góp 90% nhu cầu của thị trường nội thất nhưng doanh nghiệp chưa nắm bắt được nhu cầu tiêu dùng để đưa ra xu hướng thiết kế phù hợp với không gian nội thất. Bên cạnh đó, các nhà xuất khẩu vốn theo dây chuyền sản xuất hàng loạt, sẽ gặp thách thức phải thay đổi theo mô hình sản xuất đồ lẻ. Bước đầu trở lại với thị trường nội địa, các doanh nghiệp này vẫn đang dò dẫm tìm hướng đi, lúng túng trong cách tiếp cận với thị trường. Một bất lợi tiếp theo là việc bỏ ngỏ thị trường trong nước quá lâu khiến cho các doanh nghiệp nội cảm thấy đuối sức khi quay lại cạnh tranh.

Một thực tế là thị trường trong nước đang bị các sản phẩm gỗ xuất xứ từ Trung Quốc, Malaysia, Đài Loan chiếm lĩnh. Kết quả một số cuộc điều tra, khảo sát thị trường của Vietforest từ đầu năm cho thấy, chỉ có khoảng 20% doanh số tiêu thụ đồ gỗ trong nước thuộc về các sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam, còn lại 80% thuộc về các sản phẩm của các doanh nghiệp Malaysia, Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan…

Phó Chủ tịch Hawa Huỳnh Văn Hạnh cho biết, đây là kết quả điều tra mới nhất của Hawa về tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp hội viên ở thị trường nội địa.”Mức doanh số của các doanh nghiệp ở thị trường nội địa đã cho thấy nhiều năm qua chúng ta không khai thác tốt thị trường trong nước. Nếu chịu đầu tư cho thị trường nội địa, các doanh nghiệp hoàn toàn có thể tăng doanh số ở thị trường này trong những năm tới”, ông nói.

Thách thức trên sân nhà

Thị trường gỗ nội địa với nhu cầu tiêu dùng của gần 90 triệu dân vẫn còn tiềm năng, ước tính khoảng 1 tỉ USD/năm. Như vậy làm ra những sản phẩm đặc biệt phù hợp với kiến trúc của ngôi nhà Việt, trong đó nhà phố, nhà ống chiếm đến 80% là điều mà các doanh nghiệp cần tính toán kỹ, chuẩn bị kỹ lưỡng.

Theo ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch công ty Mifaco, việc quay lại thị trường đã được tính toán rất kỹ từ những năm gần đây. Tuy vậy, thị trường trong nước luôn có “biến” nên các doanh nghiệp vẫn còn rất dè dặt. Trở lại thị trường trong nước mặc dù là sân nhà nhưng cần phải có sự liên kết giữa nhiều bên để có thể tham gia vào chuỗi kinh doanh sản phẩm phù hợp với mình.
Ông Hiệp khẳng định: “Sự liên kết các bên này cũng đem đến nhiều cơ hội cho đầu ra sản phẩm và doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư dây chuyền, nhà xưởng ưu tiên sản xuất cho thị trường nội địa với những đơn hàng nhỏ lẻ. Hiện nay, doanh thu của về xuất khẩu của công ty khoảng 250 tỷ mỗi năm tuy nhiên khai thác tốt thị trường nội địa thì vài năm tới cũng có thể đạt được con số tương đương”.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch công ty Nguyễn Thanh, thừa nhận, tuy khó thâm nhập ở thị trường trong nước nhưng khoảng trống cần khai thác ở thị trường nội địa là rất lớn và cần phải quyết tâm chinh phục. Việc đầu tiên cần phải phát huy được thế mạnh của xuất khẩu để áp dụng vào thị trường nội. Tham gia thị trường có nhiều cách nếu như có chiến lược tốt về giá cả và sản phẩm. Việc giành lại thị trường từ các doanh nghiệp nước ngoài không phải là quá khó khi các doanh nghiệp trong nước hợp tác được với nhau.”
Ông Trần Việt Tiến, Giám đốc công ty cổ phần Mỹ thuật Gia Long cho rằng: “Chưa nói đến mức độ cạnh tranh nhưng sự phát triển về số lượng của hàng nội thất cũng như sự đa dạng của sản phẩm đã cho thấy các doanh nghiệp đã nhìn nhận nghiêm túc hơn về thị trường nội địa”.

[Để xem các bài viết khác có cùng chủ đề “Kênh phân phối nội địa”, vui lòng nhấn vào đây]

 

 

(Theo sct.haiduong.gov – Tháng 12/2012)

Bình luận hay chia sẻ thông tin
  Từ khóa của bài viết:
  Chủ đề của bài viết: