Những bất cập trong quá trình phát triển ngành gỗ Việt Nam

Tháng Mười Một 22 03:56 2014

Nhiều bức xúc được đặt ra tại Diễn đàn lâm nghiệp Việt Nam 2011 với chủ đề “Phát triển Chế biến và Thương mại lâm sản gắn với quản lý rừng bền vững” do Bộ NN&PTNT chủ trì diễn ra tại TP Quy Nhơn (Bình Định) vào sáng ngày 27/3 nhằm tìm ra giải pháp tháo gỡ những ách tắc trong tiến trình phát triển của ngành gỗ Việt Nam trong thời gian qua.

Mở đầu diễn đàn, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hứa Đức Nhị đã đưa ra hàng loạt những tồn tại trong ngành chế biến và xuất khẩu gỗ của nước ta trong thời gian qua để các nhà chuyên môn bàn thảo nhằm tìm ra những hướng mở cho ngành gỗ Việt Nam trong thời gian tới. Thứ trưởng bức xúc: “Hàng năm chúng ta khai thác hàng triệu mét khối gỗ rừng trồng nhưng phần lớn là để xuất khẩu dưới dạng dăm gỗ, giá trị mang lại còn thấp, trong khi đó mỗi năm chúng ta phải nhập khẩu hàng triệu mét khối gỗ nguyên liệu với giá cao để đáp ứng cho ngành chế biến đồ gỗ. Ngoài việc hàng năm phải nhập khẩu nguyên liệu, Việt Nam còn phải bỏ ra hàng triệu USD để nhập khẩu đồ gỗ phục vụ cho người tiêu dùng trong nước, điều này chứng tỏ thị trường nội địa đang bị “bỏ ngõ”. Thị trường xuất khẩu sản phẩm gỗ của chúng ta cũng còn bất ổn định, tính cạnh tranh của sản phẩm xuất khẩu thấp. Các đơn hàng của doanh nghiệp còn phụ thuộc nhiều vào thiết kế, mẫu mã của khách hàng nước ngoài, còn quá ít mẫu mã sản phẩm do các doanh nghiệp Việt Nam thiết kế. Như vậy làm sao xây dựng được thương hiệu “gỗ Việt” trên thị trường thế giới”.

Chỉ trong 1 thời gian ngắn, ngành chế biến đồ gỗ của Việt Nam đã có những bước phát triển nhanh đến “chóng mặt”. Tuy nhiên, sự phát triển về “chất” không theo kịp với sự phát triển về số lượng. Để minh họa, ông Nguyễn Tôn Quyền-Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam đưa ra những con số: “Nếu như năm 2000 cả nước chỉ có 1.200 doanh nghiệp chế biến gỗ thì đến năm 2009 con số này đã tăng đến 2.500. Nếu cách đây 10 năm, giá trị kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam chỉ có 219 triệu USD thì đến năm 2010 đã đạt đến 3,4 tỷ USD, tăng hơn 10 lần và đã vươn lên chiếm vị trí thứ 5 trong những mặt hàng xuất khẩu chủ chốt của Việt Nam. Sản phẩm gỗ của Việt nam đã có mặt tại 120 quốc gia và vùng lãnh thổ, đã tạo được uy tín với người tiêu dùng khắp thế giới”.

Nhung-bat-cap-trong-qua-trinh-phat-trien-nganh-go-Viet-Nam

Một điều không thể bàn cãi là ngành chế biến lâm sản và đồ gỗ Việt nam đã tạo ra nhiều việc làm cho người dân, góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Tuy nhiên, cũng phải xác định là ngành chế biến lâm sản và đồ gỗ cua nước ta vẫn còn nhiều tồn tại và đó chính là tác nhân gây ách tắc cho sự phát triển. Cũng theo ông Nguyễn Tôn Quyền, các doanh nghiệp hoạt động trong ngành chế biến gỗ của Việt Nam chưa có nhiều đổi mới công nghệ trong sản xuất mà chủ yếu chỉ làm gia công. Hầu hết các doanh nghiệp không có thị trường tiêu thụ chủ động mà phụ thuộc nhiều vào sự đặt hàng và thiết kế mẫu mã từ khách hàng nước ngoài. Trong số 2.500 DN hoạt động ngành gỗ thì đã có hơn 50% là cơ sở chế biến quy mô nhỏ, trang thiết bị đã đơn giản lại còn cũ kỹ. Số và chất lượng của đội ngũ công nhân trong ngành chưa đáp ứng yêu cầu, thiếu kỹ năng. Nguồn gỗ nguyên liệu thì cực kỳ bị động, hiện Việt Nam phải nhập khẩu đến 70-80%, sự phát triển các nhà máy băm dăm mảnh gỗ XK đã vượt quá khả năng cung cấp nguyên liệu gỗ rừng trồng trong nước. Những hạn chế trên đã trì kéo mức tăng trưởng của ngành chế biến gỗ nước ta.

Theo dự báo của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, năm 2011, kim ngạch xuất khẩu gỗ của nước ta có thể đạt trên 4 tỷ USD, tăng khoảng 17% so với năm 2010 và đang đặt ra kỳ vọng tăng đến con số 8-9 tỷ USD vào năm 2015. Nhưng hiện chỉ 30-40% gỗ nguyên liệu cung cấp cho ngành công nghiệp chế biến gỗ được khai thác trong nước, còn lại phải nhập khẩu. Trung bình mỗi năm các doanh nghiệp Việt Nam cần nhập khẩu hơn 3 triệu m3 gỗ nguyên liệu, giá trị khoảng 1 tỷ USD từ các nước trong khu vực ASEAN, châu Phi, Nam Mỹ, Bắc Mỹ… Thế nhưng các doanh nghiệp trong nành chế biến gỗ đang phải đối mặt với những bất lợi là nguồn gỗ từ Lào và Campuchia đang cạn kiệt, giá gỗ nguyên liệu trên thị trường Malaysia (thị trường nhập khẩu gỗ nguyên liệu lớn nhất của Việt Nam) đang tăng mạnh. Dự báo, trong năm 2011, giá các loại gỗ nguyên liệu sẽ tăng khoảng 20-30%. Mà khi giá nguyên liệu tăng, buộc các doanh nghiệp cũng phait tăng giá bán sản phẩm để cân đối kinh doanh nên sẽ gây bất lợi trong cạnh tranh với sản phẩm cùng loại của các nước khác. Do đó, ngành chế biến gỗ Việt Nam phải có lời giải cho bài toán nguyên liệu mới mong có sự phát triển bền vững.

Tại diễn đàn, nhiều chuyên gia kinh tế và các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ cho rằng muốn có nguồn nguyên liệu ổn định thì phải tăng cường các biện pháp trồng và quản lý rừng hiệu quả hơn. Lời giải cho bài toán này là cách làm của Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn (Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định), đơn vị được chọn làm báo cáo điển hình hoạt động sản xuất kinh doanh lâm nghiệptại diễn đàn được nêu ra như một minh chứng cho tính hiệu quả của mô hình khép kín giữa khai thác, chế biến, xuất khẩu gỗ đi đôi với trồng rừng. Hiện Công ty này có 12.861 ha đất được cấp quyền sử dụng, 1.988 ha đất thuê, 2 vườn ươm cố định, 1 xưởng chế biến gỗ tận dụng, 1 nhà máy băm dăm với công xuất 400 tấn/ngày.

Hiện công ty này đang sở hữu 2.373 ha rừngtrồng. Với nguồn nguyên liệu chủ động, nhà máy băm dăm của công ty thu lợi nhuận từ xuất khẩu dăm gỗ hàng năm lên đến hàng chục tỷ đồng. Trong giai đoạn 2011-2015, Công ty TNHH lâm nghiệp Sông Kôn sẽ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư rừng trồng khai thác gắn với Nhà máy dăm xuất khẩu, xây dựng vùng nguyên liệu tập trung rộng 3.000 ha, hỗ trợ, liên doanh liên kết với hộ dân phát triển vùng nguyên liệu 2.000 ha, liên kết với Công ty TNHH SHAIYO AA VIET NAM (Thái Lan) để nghiên cứu, sản xuất giống lâm nghiệp ưu việt cung ứng cho sản xuất.

Ông Vũ Long, Chuyên gia Kinh tế và chính sách lâm nghiệp của Hội khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, cho rằng: “Liên doanh liên kết giữa khu vực công nghiệp chế biến gỗ tư nhân và khu vực nhà nước trong sản xuất gỗ nguyên liệu là khả thi nhất đối với các nhà doanh nghiệp muốn tạo dựng vùng nguyên liệu. Hiện cả nước đã giao được gần 10 triệu ha rừng, trong đó các công ty lâm nghiệp 2,3 triệu ha, các Ban QL rừng đặc dụng và phòng hộ 3,9 triệu ha, hộ gia đình, cá nhân 2,8 triệu ha, cộng đồng dân cư 71.000 ha, các đơn vị vũ trang 228.000 ha… Với tình hình phân bổ nguồn lực về đất lâm nghiệp như hiện nay, thì việc các doanh nghiệp chế biến gỗ xin thuê đất trồng rừng để tạo dựng vùng nguyên liệu cho mình là bất khả thi. Chỉ còn 1 hướng mở là tích tụ đất và liên kết sản xuất ở khu vực hộ gia đình, cá nhân”.

Về vấn đề bức xúc của rừng trồng của Việt Nam trong việc chứng minh nguồn gốc hợp pháp (chứng chỉ FSC) để đáp ứng những quy định khắc khe của các thị trường xuất khẩu chủ lực như nước Mỹ và các nước châu Âu, ông Nguyễn Ngọc Lung-Viện Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng-cho biết: “Việc xin chúng chỉ FSC không khó, kể cả đối với tổ chức hay cá nhân có rừng trồng. Viện Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi khi có nhu cầu”.

[Để xem các bài viết khác có cùng chủ đề “Kênh phân phối nội địa”, vui lòng nhấn vào đây]

 

(Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam – 29/03/2011)

Bình luận hay chia sẻ thông tin
  Từ khóa của bài viết:
  Chủ đề của bài viết: