Tóm tắt nền kinh tế Mỹ (Phần 3)

Tháng Bảy 18 03:55 2018

Bạn đang theo dõi phần 3 của loạt bài “Tóm tắt nền kinh tế Mỹ”, để theo dõi phần 2 vui lòng nhấn vào đây.

4. Vai trò của chính phủ
Nhiều người phàn nàn rằng sự điều tiết của chính phủ đối với nền kinh tế là quá ít ỏi và quá chậm chạp. Một số người khác lại cho rằng nền kinh tế Mỹ vẫn chưa hoàn toàn được tự do vì có quá nhiều hành vi điều tiết của chính phủ. Những ý kiến trái ngược này đã gây ra các cuộc tranh luận kéo dài trong lịch sử kinh tế Mỹ với tiêu điểm là vai trò của chính phủ.

Hình minh họa từ internet

Tầm quan trọng của sở hữu tư nhân phù hợp với niềm tin vào tự do cá nhân của nước Mỹ. Từ khi giành được độc lập, người Mỹ đã luôn tìm cách hạn chế quyền lực của chính phủ thông qua các cá nhân, kể cả vai trò của nó trong giải quyết các vấn đề kinh tế. Và đa số người Mỹ vẫn cho rằng sở hữu tư nhân là hình thức ưu việt hơn so với sở hữu nhà nước trong việc tạo ra sản lượng kinh tế cao nhất.

Mặc dù vậy, phần lớn người dân Mỹ vẫn muốn chính phủ phải đảm nhận một vài nhiệm vụ nào đó trong nền kinh tế, và hệ thống luật pháp của nước Mỹ đã tạo ra một cơ sở lành mạnh để vận hành các hoạt động kinh doanh.

Các công ty – ít nhất là các công ty hợp pháp – cần phải được chính phủ cho phép hoạt động kinh doanh. Các tập đoàn cần phải được 1 trong 50 bang cho phép thành lập và hoạt động. (Hơn một nửa các tập đoàn của Mỹ được thành lập ở bang Delaware vì họ thích cơ chế quản lý của bang này). Các công ty cần phải có các loại giấy đăng ký, giấy phép và giấy cho phép hoạt động do chính quyền địa phương cấp.

Các công ty cũng cần hệ thống tòa án để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, cưỡng chế thi hành các hợp đồng và giải quyết các tranh chấp thương mại.

Chính quyền địa phương bảo vệ lợi ích người tiêu dùng. Ví dụ như, chính quyền liên bang sử dụng các bộ luật chống độc quyền để kiểm soát và phá vỡ các nhóm độc quyền liên kết với nhau để có đủ sức mạnh nhằm thoát khỏi quy luật cạnh tranh. Chính quyền địa phương cũng giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng về gian lận thương mại và buộc thu hồi các sản phẩm nguy hại.

Chính quyền các bang điều tiết hoạt động của các công ty tư nhân nhằm bảo vệ sức khỏe dân chúng và bảo vệ môi trường. Cơ quan Quản lý Thuốc và Thực phẩm Hoa Kỳ nghiêm cấm mọi loại thuốc có hại, còn Cơ quan Quản lý Y tế và An toàn thực phẩm thì bảo vệ người lao động trước các tai nạn nghề nghiệp.

Từ khi người Mỹ ý thức nhiều hơn về các ảnh hưởng đến môi trường do các ngành công nghiệp gây ra, Quốc hội Mỹ đã thông qua nhiều bộ luật để kiểm soát ô nhiễm không khí, đất và nước. Sự ra đời của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) năm 1970 đã tạo xung lực cho nhiều chương trình liên bang về bảo vệ môi trường. EPA đã đề ra và thực hiện các giới hạn ô nhiễm, đồng thời, xây dựng lịch trình để các ngành công nghiệp hạn chế ô nhiễm sao cho phù hợp với các quy chuẩn mới.

Hình minh họa từ internet

Chính phủ cũng đã giải quyết các vấn đề nghiêm trọng nảy sinh trong cuộc suy thoái kinh tế nghiêm trọng trong lịch sử nước Mỹ – Cuộc Đại Suy thoái năm 1929-1940. Tổng thống Franklin D. Roosevelt đã ban hành Chính sách kinh tế xã hội mới để giải nguy cho nền kinh tế.

Nhiều bộ luật và thể chế điều tiết nền kinh tế Mỹ hiện đại đã kế thừa Chính sách Kinh tế xã hội mới của Roosevelt, ví dụ như mở rộng quyền lực liên bang trong hoạt động điều tiết và quản lý kinh tế và tạo ra sự thịnh vượng chung. Chính sách kinh tế xã hội mới đã xây dựng nên mức lương tối thiểu và giờ lao động tối thiểu. Nó cũng tạo ra các chương trình và các cơ quan mà cho đến nay, vai trò của chúng là không thể phủ nhận – trong đó có Ủy ban Chứng khoán và Hối đoái có chức năng quản lý thị trường chứng khoán, Cơ quan Bảo hiểm tiền gửi Liên bang có chức năng bảo hiểm các khoản tiền gửi ngân hàng và Hệ thống Bảo hiểm xã hội có chức năng cung cấp lương hưu dựa trên quá trình đóng tiền bảo hiểm của người lao động.

Với tất cả các điều luật của mình, trong năm 2007, nước Mỹ vẫn được Ngân hàng Thế giới xếp hạng ba trong số các quốc gia có môi trường kinh doanh tốt nhất, sau Singapore và New Zealand. Tất cả 10 chỉ số xếp hạng đều liên quan ở một mức độ nào đó đến chính sách của chính phủ: khởi nghiệp, cấp giấy phép, thuê lao động, đăng ký tài sản, nhận tín dụng, bảo vệ các nhà đầu tư, trả thuế, buôn bán qua biên giới, cưỡng chế thực hiện hợp đồng và đóng cửa doanh nghiệp.

Chính sách của chính phủ có thể khuyến khích hoạt động kinh doanh. Ví dụ như, việc cắt giảm thuế không chỉ vì mục đích chung của các chủ sở hữu – 70% hộ gia đình Mỹ sở hữu cổ phần – mà còn tạo ra các cơ hội kinh doanh cho lĩnh vực nhà đất, xây dựng và các công ty tài chính thế chấp.

Chính quyền các bang tiến hành nghiên cứu và xây dựng. Chính quyền liên bang chỉ nghiên cứu và xây dựng chương trình thử nghiệm các hệ thống tên lửa, nhưng đồng thời cũng chú trọng đến việc đưa nước Mỹ thành trung tâm nghiên cứu sinh học của thế giới.

Chính quyền các bang có trách nhiệm hoàn tất các mục tiêu đề ra trong thương mại quốc tế. Các bang phải khuyến khích xuất khẩu các ngành công nghiệp của mình. Chính quyền liên bang có nhiệm vụ đàm phán để hàng hóa xuất khẩu được đánh thuế thấp hơn và hàng hóa nhập khẩu không còn bị ngăn cản bởi các rào cản thương mại từ phía nước ngoài nữa. Chính phủ cũng có nhiệm vụ bảo vệ các công ty Mỹ trước sự cạnh tranh không lành mạnh từ bên ngoài.

Chính quyền các bang cung cấp một số dịch vụ công – như quốc phòng, hành chính tư pháp, giáo dục, bảo vệ môi trường, xây dựng đường xá, khai thác vũ trụ – là những lĩnh vực mà nhà nước tỏ ra là người thực hiện thích hợp hơn so với các công ty tư nhân.

Các bang cũng cần phải lưu tâm đến nhu cầu của các lực lượng thị trường. Chính quyền bang cũng chi trả bảo hiểm cho những người mất việc làm và cho vay lãi suất thấp đối với những người bị mất nhà cửa do thiên tai. Hệ thống bảo hiểm xã hội, được trả bằng thuế do người lao động và chủ lao động đóng góp, là nơi chi trả phần lớn lương hưu cho người dân Mỹ. Chương trình chăm sóc y tế cũng trả các chi phí y tế cho người già; Chương trình trợ giúp y tế chi trả chi phí y tế cho những gia đình có thu nhập thấp. Tại nhiều bang, chính quyền duy trì các bệnh viện tâm thần hoặc các trung tâm chăm sóc người tàn tật. Chính quyền liên bang cung cấp tem mua lương thực cho các gia đình nghèo. Chính quyền bang và liên bang cũng cung cấp các khoản trợ cấp để hỗ trợ các bậc cha mẹ có thu nhập thấp và con cái của họ.

5. Chính sách kinh tế vĩ mô
Chính quyền liên bang có vai trò tạo điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh phát triển kinh tế và nâng cao tỷ lệ lao động có việc làm, đặc biệt là duy trì được một mức giá chung ổn định và một gánh nặng thuế có thể quản lý được. Cục Dự trữ Liên bang, ngân hàng trung ương độc lập của Mỹ, quản lý lượng cung tiền và sự sử dụng tín dụng (chính sách tiền tệ), trong khi Tổng thống và Quốc hội điều chỉnh chi tiêu ngân sách và chi tiêu thuế (chính sách tài khóa).

Hình minh họa từ internet

Kể từ thời kỳ lạm phát trong những năm 1970, chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang đã tập trung hơn nữa vào việc ngăn ngừa sự leo thang nhanh chóng của giá cả. Khi giá cả leo thang quá nhanh, Cục Dự trữ Liên bang sẽ hành động để giảm tăng trưởng kinh tế thông qua giảm lượng cung tiền, do đó, phải tăng lãi suất ngắn hạn.

Khi nền kinh tế xuống dốc quá nhanh, hoặc ngược lại, Cục Dự trữ Liên bang sẽ tăng lượng cung tiền, làm giảm lãi suất ngắn hạn. Cách thức phổ biến nhất làm thay đổi mức lãi suất ngắn hạn, được gọi là các nghiệp vụ thị trường mở, là mua hoặc bán cổ phiếu chính phủ trong các nhóm nhỏ của các ngân hàng lớn hoặc của các đại lý trái phiếu.

Một tình huống đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách tiền tệ phải khéo léo là tình trạng lạm phát đình trệ xuất hiện khi nền kinh tế suy giảm trong khi lạm phát tăng quá nhanh.

Sự hữu ích của chính sách tài khóa là đề tài tranh luận lâu nay của các học giả và các chính trị gia. Một vài người nhìn nhận các chi tiêu chính phủ là quá nhỏ để có thể tạo ra một cú huých cho nền kinh tế Mỹ, mặc dù các dự án đặc biệt quan trọng có thể gây ra những tác động lớn. Một số chuyên gia lại cho rằng cần tăng lợi ích kinh tế thông qua cắt giảm thuế. Số khác thì ủng hộ quan điểm tổn hại kinh tế do vay mượn chính phủ.

6. Giai đoạn biến đổi
Từ một quốc gia đang phát triển với đa phần là các trang trại quy mô nhỏ vào 200 năm trước, nước Mỹ đã trở thành trung tâm chế tạo của thế giới vào thế kỷ 19 và thế kỷ 20. Vào đầu thế kỷ 21, nước Mỹ là quốc gia đứng đầu thế giới về chế tạo và cung cấp dịch vụ.

Và với vị trí dẫn đầu trong những tiến bộ nhanh chóng về sản lượng và doanh số bán, nền kinh tế Mỹ vẫn luôn tiếp tục thay đổi. Sản lượng tiếp tục tăng lên trong hoạt động thương mại quốc tế và thương mại nội địa. Nhiều hoạt động buôn bán cũng diễn ra tại các siêu thị giá rẻ và qua Internet.

Hình minh họa từ internet

Từ nhiều thập kỷ nay, các tập đoàn đa quốc gia của Mỹ đã bán hàng hóa và dịch vụ cho các khách hàng nước ngoài thông qua các chi nhánh nước ngoài. Hiện nay, xu hướng này đang tăng lên, các công ty đa quốc gia là một chỉnh thể kết hợp lao động, vốn, các nguồn lực tự nhiên từ các đơn vị trong nước và các nhà cung cấp trên khắp thế giới, nhằm làm tăng tính hiệu suất của chi phí tại các giai đoạn sản xuất và quảng bá khác nhau. Càng ngày, thương mại quốc tế càng được cấu thành bởi nhiều hàng hóa trung gian với mục đích được chế biến tinh hơn.

Một báo cáo của Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia năm 2006 đã cho biết “số lượng và loại hàng hóa đang được trao đổi qua biên giới đã thay đổi rất nhiều… Khả năng và mong muốn ngày càng lớn của các công ty trong việc phân tách các khâu của quá trình sản xuất – thiết kế tại một nơi, chế tạo phụ tùng tại một nơi, lắp ráp ở nước thứ ba – đã phản ánh sức cạnh tranh, tiền lương và lao động của nước Mỹ”.

Với khách hàng ở nhiều quốc gia, các công ty đa quốc gia của Mỹ hiện đang có hơn một phần tư tổng doanh thu bán có nguồn gốc từ các chi nhánh nằm bên ngoài nước Mỹ. Doanh thu bán của các chi nhánh nước ngoài này lớn gấp hơn 3 lần tổng giá trị hàng hóa và dịch vụ xuất khẩu của nước Mỹ.

Một thay đổi khác là sự mới nổi lên của thương mại điện tử, phương thức mua bán hàng hóa và dịch vụ qua Internet. Thương mại điện tử chiếm 3% tổng doanh số bán lẻ của nước Mỹ vào cuối năm 2006, trong khi đó, tỷ lệ này chỉ là 1% vào năm 1999.

Các đường dây trực tuyến đang thay đổi giá trị của cải của các ngành công nghiệp. Những tờ báo lớn đang tìm cách chỉ ra phương thức kiếm tiền mới trên các trang web khi mà tất cả mọi người đều có thể truy cập với quá nhiều thông tin miễn phí trên Internet.

Hình minh họa từ internet

Một sự biến đổi nữa đang xảy ra trong hoạt động bán lẻ là sự gia tăng của các dây chuyền bán lẻ bao gồm những cửa hàng quy mô cực lớn bán hàng nghìn sản phẩm tại các khu bán hàng rộng lớn với mức giá thấp hơn rất nhiều so với mức giá tại các cửa hàng quy mô nhỏ.

Thay đổi sâu sắc trong ngành công nghiệp âm nhạc phản ánh sự cạnh tranh từ thương mại điện tử và các cửa hàng quy mô siêu lớn. Doanh số bán đĩa compact có xu hướng giảm từ năm 2000, lại tiếp tục giảm 13% vào năm 2006 và còn giảm với tốc độ nhanh hơn vào đầu năm 2007. Các cửa hàng bán lẻ đĩa nhạc phải đối mặt với sức ép cạnh tranh từ các nguồn trực tuyến hợp pháp (ví dụ như Apple Inc.’s ITunes Store) và phi pháp (có hàng tỷ bài hát được tải xuống mỗi tháng từ các tệp bài hát trên mạng mà không cần trả bản quyền). Họ cũng phải đối phó với sức ép cạnh tranh từ chuỗi các cửa hàng bán giảm giá các đĩa CD được ưa chuộng nhất. Chuỗi cửa hàng bán đĩa nhạc nổi tiếng Tower Records đã phải phá sản và đóng cửa các cửa hàng bán lẻ ở Mỹ trong năm 2006, nhưng tập đoàn Tower vẫn tiếp tục hoạt động bán đĩa CD và các bài hát tải riêng lẻ từ mạng trực tuyến.

Rất khó để suy đoán xem nền kinh tế Mỹ sẽ đương đầu với những thay đổi này như thế nào – ngay cả khi nó đã được định nghĩa và đánh giá ra sao.

[Để xem các bài viết khác có cùng chủ đề “Thị trường Hoa Kỳ”, vui lòng nhấn vào đây]

(Nguồn: ttnn.com.vn – 07/2008)

Bình luận hay chia sẻ thông tin