Tóm tắt nền kinh tế Mỹ (Phần 2)

Tháng Bảy 18 03:55 2018

Bạn đang theo dõi phần 2 của loạt bài “Tóm tắt nền kinh tế Mỹ”, để theo dõi phần 1 vui lòng nhấn vào đây.

2. Công ty lớn và nhỏ

Các công ty nhỏ – là những công ty có ít hơn 500 nhân viên – chiếm phần lớn trong nền kinh tế Mỹ. Chúng có thể thích ứng ngay với các điều kiện kinh tế và những nhu cầu thay đổi nhanh chóng của khách hàng, thông qua những giải pháp kỹ thuật sáng tạo nhằm giải quyết các vấn đề trong sản xuất. Đóng góp của chúng trong GDP là 50,7% trong năm 2004.

Cơ quan quản lý các công ty nhỏ Hoa Kỳ cho biết: “Trong số gần 26 triệu công ty tại Mỹ, đa số là các công ty rất nhỏ – 97,5% – có ít hơn 20 nhân viên. Các công ty này chiếm một nửa GDP và tạo ra 60 đến 80% tổng số việc làm mới trong thập kỷ qua”.

Nhiều chủ doanh nghiệp đã bắt đầu sự nghiệp của mình từ công việc hàn các chi tiết máy tại xưởng sửa chữa ôtô tại gia đình. Một số ít đã nhanh chóng mở rộng công việc kinh doanh và trở thành các tập đoàn lớn có quyền lực. Một vài ví dụ là: tập đoàn phần mềm Microsoft, tập đoàn dịch vụ chuyển phát Federal Express, nhà máy sản xuất quần áo thể thao Nike, nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến AOL và nhà làm kem Ben & Jerry’s.

Hình minh họa từ internet

Phụ nữ sở hữu và lãnh đạo nhiều công ty nhỏ. Trong năm 2002, số lượng công ty nhỏ do phụ nữ nắm quyền sở hữu chiếm 28% tổng số công ty, trừ các trang trại, và chiếm 6% tổng số lao động của Mỹ và 4% tổng doanh số bán.

Tại Mỹ, nhiều công ty nhỏ cũng được lãnh đạo bởi những người có xuất thân từ các nhóm dân cư thiểu số. Trong số tất cả các công ty phi nông nghiệp ở Mỹ vào năm 2006 thì 6,8% do người Mỹ gốc Bồ Đào Nha hoặc Tây Ban Nha, 5,2% do người Mỹ gốc Phi, 4,8% do Mỹ gốc Á, 0,9% do người Mỹ gốc da đỏ hoặc người Alaska bản địa và 0,1% do người Hawaii bản địa hoặc người bản địa thuộc vùng đảo Thái Bình Dương sở hữu.

Các công ty nhỏ thuê gần như đúng một nửa lực lượng lao động tư nhân ở Mỹ, khoảng 153 triệu người. Trong năm 2003, trung bình một công ty nhỏ có một địa điểm và 10 lao động; trong khi đó, một công ty lớn có trung bình 61 địa điểm và 3.300 nhân viên.

Nhiều công ty lớn và nhỏ của Mỹ được tổ chức như những tập đoàn có thương hiệu chung. Các tập đoàn được coi là một mô hình kinh doanh mang lại hiệu quả cao vì nó tích lũy được nhiều tiền để chi trả cho các hoạt động quảng bá và mở rộng quy mô.

Để tăng lượng tiền mặt có được, các công ty này bán cổ phần (quyền sở hữu tài sản) hoặc trái phiếu (một hình thức vay tiền) cho các nhà đầu tư. Các ngân hàng thương mại cũng trực tiếp cho các công ty lớn nhỏ vay tiền. Chính quyền trung ương và chính quyền các bang đưa ra những quy định chi tiết để đảm bảo hệ thống tài chính này hoạt động một cách lành mạnh và an toàn; đồng thời, cung cấp cho các nhà đầu tư những thông tin mà họ cần để đưa ra những quyết định sáng suốt.

Một tập đoàn lớn có thể sở hữu hàng triệu nhân viên trở lên, phần lớn các nhân viên này đều sở hữu cổ phần nhưng chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng số giá trị cổ phiếu của công ty. Khoảng một nửa hộ gia đình Mỹ sở hữu cổ phiếu phổ thông một cách trực tiếp hoặc thông qua các qũy tương hỗ, hay qua các kế hoạch đầu tư trợ cấp hưu trí.

Christopher Cox, Trưởng ban Chứng khoán và Ngoại hối, đã nhận định vào năm 2007 trong bài phát biểu của mình: “Phần lớn lao động Mỹ có tham gia vào thị trường vốn. Sự thật này đang ngày một phổ biến – rằng điều gì tốt với các nhà đầu tư Mỹ thì cũng tốt đối với dân chúng Mỹ”.

Vì các cổ đông thường không tự mình quản lý công ty nên họ chọn ra một Hội đồng quản trị để đưa ra các quyết định quan trọng. Hội đồng quản trị lại giao phó công việc quản lý hàng ngày cho một Giám đốc Điều hành (CEO).

Nếu CEO được Hội đồng quản trị tín nhiệm và tin tưởng, anh ta/ cô ta thường được Hội đồng cho phép vận hành công ty một cách tương đối độc lập. Nhưng các cổ đông, nếu tập hợp đủ số lượng, có thể buộc Hội đồng quản trị phải thay thế CEO. Trong một số trường hợp đặc biệt đã xảy ra từ năm 2004 đến 2006, Hội đồng quản trị đã buộc CEO tại nhiều công ty lớn thôi việc vì lý do hành vi đạo đức hoặc do không đủ năng lực.

Phần lớn các công ty ở Mỹ đều có quy mô nhỏ, chỉ một vài công ty có quy mô rất lớn. Trong năm 2006, năm ghi nhận sự lên cao kỷ lục của giá dầu mỏ, Exxon Mobil Corporation đã đạt lợi nhuận hàng năm lên tới mức kỷ lục 39,5 tỷ đô-la – có nghĩa là lợi nhuận đạt hơn 75.000 đô-la trên một phút – với doanh thu là 347 tỷ đô-la. Wal-Mart đứng đầu danh sách các tập đoàn có doanh thu cao trong năm 2006 với 351 tỷ đô-la.

Hình minh họa từ internet

3. Người lao động và sản lượng

“Mức sống cao của người Mỹ là nhờ vào một thực tế rằng người lao động Mỹ là một trong những lực lượng lao động có năng suất cao nhất trên thế giới, và tỷ lệ người tham gia lao động ở Mỹ cũng cao hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới”, theo báo cáo của Hội đồng Cạnh tranh.

Theo dòng lịch sử của nước Mỹ, có thể thấy lực lượng lao động đã tăng trưởng rất nhanh theo sự tăng trưởng của nền kinh tế. Người nhập cư là một lực lượng lao động quan trọng và đặc biệt tăng lên về số lượng trong các giai đoạn nước Mỹ có tỷ lệ thất nghiệp thấp và khi nhu cầu về lao động tăng lên.

Khoảng 146 triệu người đang làm việc tại Mỹ tính đến cuối năm 2006, đồng thời có 7 triệu người thất nghiệp. Với tổng số 153 triệu người thì lực lượng lao động của Mỹ có số lượng lớn thứ 3 trên thế giới, sau Trung Quốc và Ấn Độ.

Gần 2/3 dân số trong độ tuổi lao động tham gia vào lực lượng lao động. Tỷ lệ lao động nam nữ là 50/50. Khoảng 15% trong số này là những lao động được sinh ra ở nước ngoài. Khoảng 5 đến 6% trong số họ có thể làm nhiều hơn một nghề.

 

Khu vực tư nhân sử dụng phần lớn lực lượng lao động của Mỹ – 85,5 %; chính phủ sử dụng phần còn lại.

Nhiều người là những lao động tự doanh, hơn 10 triệu vào năm 2005, mặc dù nhiều người trong số họ đã tận dụng thời gian để vừa làm thuê vừa làm công việc kinh doanh của riêng mình. Phần lớn trong số lao động Mỹ làm việc cho gần 6 triệu công ty. Đa số các công ty này chỉ có số nhân viên ít hơn 20 người.

Người lao động Mỹ rất linh hoạt. Số lượng việc làm tăng lên cũng ẩn chứa nhiều nguy cơ xáo trộn – sự thay đổi việc làm của người lao động. Trung bình hàng năm có tới 10% tổng số công việc biến mất, đồng thời, một lượng lớn công việc mới lại được hình thành.

“Dữ liệu chỉ ra rằng mỗi tháng, hàng triệu người Mỹ thay đổi việc làm – phần lớn trong số đó là do họ tự nguyện – và hàng triệu công việc mới lại nảy sinh”, Robert Kimmitt, Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ đã nhận định như vậy trong báo cáo năm 2006 của mình. “Đây là điều mà chúng ta mong muốn: một nền kinh tế trong đó mọi người đều luôn vận động nhằm có được nhiều cơ hội nhất để chọn lựa”.

Người lao động Mỹ thường không ở lâu trong tình trạng thất nghiệp. Vào năm 2005, chỉ 12% người Mỹ thất nghiệp không thể tìm lại việc làm trong năm đó, so với tỷ lệ 46% tại Liên minh châu Âu.

Góp phần tạo nên tính năng suất của lực lượng lao động Mỹ là trình độ giáo dục, bao gồm cả đào tạo kỹ thuật và đào tạo hướng nghiệp. Đi đôi với trình độ giáo dục cao còn là sự sẵn sàng học hỏi kinh nghiệm và chấp nhận thay đổi.

Những thay đổi này bao gồm cả sự sẵn lòng di chuyển từ nơi này đến nơi khác để tìm kiếm việc làm. Trong thế kỷ 18 và 19, người dân Mỹ đã di chuyển từ các vùng đất duyên hải tiến sâu vào đất liền để tăng diện tích đất trồng. Vào đầu thế kỷ 20, những người Mỹ gốc Phi đã rời khỏi các trang trại miền Nam để tìm kiếm việc làm trong các nhà máy ở khu vực thành phố miền Bắc.

Tất nhiên không phải tất cả người lao động đều thay đổi chỗ làm một cách tình nguyện. Một số đông lao động đã bị sa thải bởi các công ty lớn – 13.998 công ty đã sa thải nhân viên trong năm 2006. Từ cuối năm 2005 đến đầu năm 2007, ba công ty lớn trong ngành công nghiệp ô tô của Mỹ – General Motors Corporation, Ford Motor Company, và DaimlerChrysler AG đã sa thải hơn 90.000 lao động. Các hãng hàng không Mỹ cũng đã khiến 170.000 lao động mất việc làm kể từ tháng 8/2001 đến tháng 10/2006.

Mặc dù người lao động Mỹ có quyền tham gia các tổ chức công đoàn song chỉ có 12% trong tổng số lao động Mỹ là thành viên của các tổ chức công đoàn, giảm từ 35,5% vào thế kỷ trước.

Nhóm lớn nhất trong lực lượng lao động của Mỹ là gần 23 triệu người làm công việc văn phòng và các công việc trợ lý hành chính như trả lời điện thoại, thư ký, kế toán khách sạn,… Nhóm có mức lương trung bình cao nhất là hơn 80.000 đô-la/năm, thường làm công việc quản lý hoặc nghề luật. Nhóm có thu nhập thấp nhất – ít hơn 20.000 đô-la mỗi năm – làm việc trong các ngành dịch vụ và sơ chế thực phẩm.

[Để xem các bài viết khác có cùng chủ đề “Thị trường Hoa Kỳ”, vui lòng nhấn vào đây]

(Nguồn: ttnn.com.vn – 07/2008)

Bình luận hay chia sẻ thông tin