Tổng quan nền kinh tế Nhật Bản

Tháng Bảy 18 03:55 2018

I. Giới thiệu chung

 1. Các thông tin cơ bản
– Tên nước: Nhật Bản (Japan)
– Thủ đô: Tokyo
– Quốc khánh 23/12
– Diện tích: 377.915 km2
– Dân số: 127,4 triệu người (tính đến tháng 12/2012), trong đó người Nhật Bản 98,5%, Hàn Quốc 0,5%, Trung Quốc 0,4%, khác 0,6%
– Khí hậu: đa dạng từ khí hậu nhiệt đới ở miền Nam tới khí hậu lạnh ở miền Bắc, mùa hè (tháng 6-8) khí hậu thường ngột ngạt, khó chịu, mùa đông thường lạnh, độ ẩm thấp và có tuyết
– Ngôn ngữ: Tiếng Nhật
– Tôn giáo 83,9% theo Thần Đạo, 71,4% theo Phật Giáo, 2% theo đạo Thiên Chúa Giáo, và 7,8% theo các đạo khác (nhiều người Nhật theo cả Thần Đạo và Đạo Phật)
– Đơn vị tiền tệ: Đồng Yên (JPY) – Tỷ giá 1USD = 89 Yen
– Múi giờ: GMT + 9
– Thể chế: Thủ tướng là người nắm quyền cao nhất về các phương diện quản lý quốc gia và chịu sự giám sát của hai viện quốc hội cùng tòa Hiến pháp có thẩm quyền ngăn chặn các quyết định vi hiến của chính phủ Thủ tướng Shinzo Abe (từ tháng 12/2012) Thiên Hoàng Akihito

Hình minh họa từ internet

2. Lịch sử

Lịch sử Nhật Bản trải dài từ thời kỳ cổ đại tới hiện đại, Thủ đô đầu tiên được thành lập tại Nara năm 710, và nó đã trở thành một trung tâm của nghệ thuật Phật giáo, tôn giáo và văn hóa. Trong những năm 1860 thời kỳ Minh Trị bắt đầu bằng việc quân đội hoàng gia của thiên hoàng Minh Trị đánh bại quân đội Mạc phủ Tokugawa, Nhà lãnh đạo mới kết thúc chế độ phong kiến và chuyển đổi một hòn đảo cô lập – một quốc gia kém phát triển – nhanh chóng trở thành một cường quốc thế giới.

3. Đường lối đối ngoại

Thủ tướng Nhật Bản đã nêu ra những trụ cột chính trong đường lối đối ngoại của Nhật Bản
+ Nền tảng quan trọng trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản: mối quan hệ đồng minh Mỹ- Nhật cần tiếp tục được cải thiện.
+ Thắt chặt mối quan hệ hợp tác với các nước châu Á-Thái Bình Dương, cụ thể là với Trung Quốc, Hàn Quốc và Nga.
+ Thực hiện quá trình mở cửa đất nước và thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện chính là cách thức tối ưu giúp quốc gia này có thể cùng chia sẻ sự thịnh vượng với các nước khác trên thế giới.
+ Chính sách thương mại: tham gia Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)-một thỏa thuận thương mại tự do đa phương do Mỹ hậu thuẫn, Thủ tướng Nhật Bản cho rằng “vấn đề then chốt là mở cửa đất nước, cả về tư tưởng cũng như nền kinh tế”.
+ Nâng cao tính cạnh tranh của các công ty Nhật Bản. Để đạt được mục tiêu này, kể từ năm tài khóa 2011, Nhật Bản cắt giảm 5% điểm thuế của các liên hiệp công ty.

4. Văn hoá xã hội

Thời xưa, Nhật Bản theo chế độ mẫu hệ, người phụ nữ có vai trò lớn hơn nam giới. Vào thời kỳ Samurai, người đàn ông lại chiếm vai trò độc tôn. Mặc dù tinh thần giải phóng phụ nữ đã được du nhập vào Nhật Bản từ cuối thế kỷ 19 nhưng hiện nay, người phụ nữ vẫn ở vị thế thấp hơn nam giới và bên ngoài xã hội, đàn ông vẫn giữ vai trò lớn hơn một chút. Theo căn bản, phạm vi của người phụ nữ là gia đình và các công việc liên hệ, trong khi người chồng là người đi kiếm sống và đưa hết tiền lương về cho người vợ.

5. Du lịch

Nhật Bản là nơi có nhiều danh lam thắng cảnh đẹp, với 14 di sản thế giới, nổi bật như thành Himeji, cố đô Kyoto, Du khách nước ngoài cũng ghé thăm Tokyo và Nara, núi Phú Sĩ, khu trượt tuyết như Niseko ở Hokkaido, Okinawa, đi tàu cao tốc shinkansen. Chính thuận lợi này đã mang hàng triệu lượt khách du lịch đến Nhật Bản hàng năm. Trong 3 năm gần đây, trung bình 8,3 triệu lượt khách đã đến Nhật Bản, Tuy nhiên, ngành du lịch Nhật Bản đã bị chấn động mạnh kể từ sau trận động đất và sóng thần ngày 11/3/2011.

6. Con người

Người Nhật Bản có tính cách hết sức đặc biệt, có lẽ nhờ những tính cách này, người Nhật đã biến đất nước nghèo tài nguyên, khí hậu khắc nghiệt của mình thành một cường quốc. Có thể tóm tắt những tính cách đặc trưng đó như sau:
– Có tinh thần cầu tiến và nhạy cảm với những thay đổi trên thế giới. Sẵn sàng tiếp nhận những cái mới nhưng vẫn giữ được bản sắc của mình.
– Đề cao cái chung, cái tập thể, gạt bỏ cái tôi cá nhân. Các tập thể có thể cạnh tranh với nhau gay gắt nhưng cũng có thể liên kết với nhau để đạt được mục đích chung.
– Không thích đối đầu với người khác, đặc biệt là đối đầu cá nhân. Họ chú tâm giữ gìn sự hòa hợp. Việc giữ gìn sự nhất trí, thể diện và uy tín là quan trọng nhất.
– Tiết kiệm và làm việc chăm chỉ.

7. Văn hóa kinh doanh
Người Nhật luôn đề cao tính kỷ luật và hiệu quả cao trong công việc, những yếu tố dưới đây làm nên sự thành công của họ.
– Trân trọng danh thiếp: Trao đổi danh thiếp là một phương thức gây ấn tượng quan trọng khi gặp gỡ làm ăn. Người Nhật không bao giờ để danh thiếp vào ví, vì đối với họ đó là sự bất kính.
– Kính trọng người lớn tuổi, thứ bậc và địa vị: Văn hóa kinh doanh ở Nhật đề cao vị trí của các bậc trưởng bối vì sự uyên thâm và kinh nghiệm quý báu mà họ đã đóng góp cho công ty.
– Thấm nhuần động cơ làm việc: Làm việc với động cơ rõ ràng kết hợp với sự hăng hái là vô cùng quan trọng. Những mục tiêu dài hạn của công ty cần được củng cố thường xuyên.
– Nghiêm túc trong công việc: Người Nhật luôn tạo ra không khí trang nghiêm tại nơi làm việc. Sự hài hước hiếm khi được sử dụng, ngoại trừ trong giờ giải lao.
– Tận dụng các mối quan hệ như là một sự ủng hộ: Có được sự tán thành của những người thành đạt, bạn sẽ trở nên đáng tin cậy trong con mắt của nhiều người và tạo nền tảng vững chắc để đảm nhận những vị trí cao hơn.

II. TÌNH HÌNH KINH TẾ

1. Tổng quan

Nhật Bản có nền kinh tế phát triển, đứng thứ 2 thế giới sau Mỹ, với năng suất và kỹ thuật tiên tiến, Nhật Bản đạt được những thành tựu này từ một điểm xuất phát hầu như bị phá huỷ hoàn toàn sau chiến tranh, làm nên “Sự thần kỳ kinh tế Nhật Bản” trong những năm 70.
Tháng 3 năm 2011, thảm họa kép sóng thần và động đất tại vùng Đông Bắc Nhật Bản đã khiến nước này rơi vào tình trạng vô cùng khó khăn. Hiện nay, Nhật Bản đang thực hiện tái cơ cấu, khôi phục lại nền kinh tế. Với truyền thống cần cù, sáng tạo, tiềm lực về khoa học công nghệ và tài chính hùng mạnh, kinh tế Nhật sẽ sớm phục hồi và tiếp tục khẳng định vai trò đầu tàu kinh tế thế giới.

2. Các ngành kinh tế mũi nhọn:

Kinh tế Nhật Bản được chia theo 3 ngành chính: Dịch vụ, Công nghiệp và Nông nghiệp
– Ngành dịch vụ: thương mại và tài chính.
– Ngành công nghiệp: chế tạo tàu biển, xe hơi, xe gắn máy.
– Ngành nông nghiệp: đánh bắt và nuôi trồng thủy sản.

3. Các chỉ số kinh tế

 4. Các chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, XNK, thuế v…v

Nhật Bản áp dụng chiến lược tăng trưởng kinh tế 21 điểm, trong đó nhấn mạnh yếu tố năng suất lao động, ổn định nhu cầu nội địa, tập trung vào 6 trọng tâm, gồm:
– Phát triển năng lượng
– Đẩy mạnh y tế, du lịch
– Thúc đẩy phát triển khoa học kỹ thuật
– Tạo thêm công ăn việc làm tại các địa
 – Bồi dưỡng nhân tài
– Hướng về châu Á
Cụ thể, Nhật Bản đã triển khai một số biện pháp sau:

1. Cải cách chính sách thuế

 – Thuế thu nhập doanh nghiệp (CIT), giảm 5 % từ 40,69%, còn trên 35% (tương đương với Mĩ, 35%, cao hơn Anh, Trung Quốc và Việt Nam, lần lượt là: 28%, 25% và 25%). Riêng các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), giảm từ mức 18% còn 15% (thấp hơn Việt Nam 10%)
– Áp dụng thuế môi trường, còn gọi là “thuế xanh” đối với tất cả các doanh nghiệp
– Thuế tiêu thụ tăng từ 5% đến 10% để bù đắp cho các khoản chi phúc lợi xã hội và tạo công ăn việc làm. Chính sách này dự kiến sẽ tạo ra trên 1,2 triệu công ăn việc làm mới cho người lao động.

2. Tăng cường đầu tư ra nước ngoài, đặc biệt là cơ sở hạ tầng

 Nhật Bản tích cực ủng hộ hình thức đầu tư phối hợp đối tác công – tư (PPP) trong các dự án phát triển hạ tầng ở nước (ước tính hàng trăm tỷ USD từ 2011 đến 2030), nhằm tạo điều kiện cho các tập đoàn có thêm công ăn việc làm, bán thiết bị máy móc ra bên ngoài và tránh được rủi ro trong xuất khẩu (do đồng Yên lên cao). Nhật Bản hướng mạnh vào các nền kinh tế mới nổi như Braxin, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc (BRIC) và một số các quốc gia ASEAN (Việt Nam, Thái Lan, Inđônêxia…) đầu tư vào các ngành thân thiện với môi trường, sản xuất vật liệu mới, chăm sóc sức khỏe cộng đồng…

[Để xem các bài viết khác có cùng chủ đề “Thị trường Nhật Bản”, vui lòng nhấn vào đây]

 (Theo VCCI -1.2013)

Bình luận hay chia sẻ thông tin