Cẩm nang xây nhà – Bài 3: Chọn nhà tư vấn thiết kế xây dựng

Tháng Tám 04 03:50 2012

Các bạn đang xem loạt bài “Cẩm nang xây nhà”, để xem mục lục của cẩm nang này, vui lòng nhấn vào đây

Không có một nhà tư vấn thiết kế xây dựng, chủ nhà thực tế vẫn có thể xây được nhà. Ngay cả việc chuẩn bị hồ sơ xin phép xây dựng ở bước 2 cũng có thể thuê một đơn vị tư vấn để lập. Tuy nhiên, vai trò của một nhà tư vấn đối với một công trình xây dựng thì nhiều hơn thế.

Tư vấn thiết kế

Thuê một nhà tư vấn thiết kế (với điều kiện là nhà tư vấn thiết kế giỏi có nhiều năm kinh nghiệm ở văn phòng, đặc biệt kinh nghiệm thực tế ngoài công trường) cho căn nhà của mình, chủ nhà được gì?

1. Các bạn sẽ có một mặt bằng cơ cấu toàn bộ nhà được tổ chức chặt chẽ và mạch lạc, phù hợp với công năng và yêu cầu sử dụng của tất cả các thành viên trong gia đình. Mặt bằng đó sẽ tận dụng được tối đa diện tích để ở, sinh hoạt, giao thông đi lại, có các giếng trời, khoảng thông tầng để lấy ánh sáng và thông thoáng cho các khu vực bí, thiếu sáng. Mặt bằng đó sẽ tạo ra các không gian ở rộng rãi, vuông vắn, biến các khoảng lồi lõm, xấu xí của tường, cột thành các khoảng âm tường để tủ quần áo, tủ đồ, tủ trang trí một cách hợp lý. Mặt bằng đó được đan xen vào những khoảng xanh của cây cảnh, làm mềm mại hơn các đường nét kiến trúc khô khan…

Không gian phòng khách

2. Có được một hình thức mặt ngoài nhà đẹp, độc đáo, phù hợp với sở thích và yêu cầu cá nhân, phù hợp với cảnh quan môi trường đô thị xung quanh, phù hợp với những công nghệ về xây dựng và vật liệu xây dựng tiên tiến nhất, khẳng định được phong cách của riêng các bạn.

Phong cách nhiệt đới Đông Dương

3. Ngay từ khi ngôi nhà chưa thành hình, họ đã có thể nhìn thấy bằng trực giác, cảm nhận được không gian của căn nhà để có những điều chỉnh thích hợp, tránh những sai sót, khó chịu khi ngôi nhà đã thực sự được xây dựng nên, và rất khó để thay đổi những điểm không phù hợp đó. Các bạn còn có thể biết và dự toán được về giá thành của toàn bộ căn nhà, từ tổng thể đến từng chi tiết nhỏ, để điều chỉnh các chủng loại vật liệu sao cho phù hợp, tránh việc phát sinh quá nhiều chi phí trong quá trình xây dựng, đảm bảo đúng tiến độ.

4. Ngoài ra, đến với một số đơn vị tư vấn có nghiên cứu về Phong thuỷ, các bạn còn được tính toán các không gian, bố trí cửa chính, cầu thang, vị trí bếp, hướng bếp, phòng ngủ, phòng tắm và các đồ đạc hợp với Phong thuỷ, để khi ở trong nhà cảm thấy yên tâm, thoải mái, công việc làm ăn gặp nhiều may mắn, là đòn bẩy cho sự nghiệp và sức khoẻ. Thiết kế nhà ở, văn phòng, khách sạn, nhà xưởng sản xuất, trung tâm thương mại …cần hấp dẫn sinh khí vào nhà. Sinh khí có thể ví như tiểu thư đài các, thích sự sáng sủa, ngăn nắp, gọn gàng, sạch sẽ, cây cỏ xanh tươi, thích mùi hương thơm ngát, âm thanh êm dịu, reo vui…và ngược lại sinh khí rất sợ sự tối tăm, bế bộn, dơ bẩn. Sinh khí không thích sự tàn úa, cằn cỗi, hoang tàn… Sinh khí vào nhiều trong công trình và được lưu trữ lại là điều rất tốt cho các bạn.

Khoảng không gian xanh

Khi có ý định xây nhà, các bạn nên cung cấp cho người thiết kế những thông tin tóm tắt về gia đình, về mảnh đất và nhu cầu sở thích sử dụng của các thành viên trong gia đình như cần xây nhà mấy tầng, có gara xe hơi hay không, phòng khách diện tích bao nhiêu, có sử dụng phòng ăn chung với không gian bếp hay không và cần bố trí tối thiểu cho bao nhiêu người, cần có mấy phòng ngủ, có làm thêm phòng trẻ em không, các phòng ngủ có phòng vệ sinh riêng hay chung… Bảng liệt kê càng chi tiết tỉ mỉ, người thiết kế càng có cơ sở để hình dung ra điều kiện sinh hoạt của các bạn, để từ đó dẫn đến giải pháp thiết kế phù hợp nhất.

Cách bày trí đồ đạc trong nhà

5. Về việc thiết kế nội thất trong căn nhà (bao gồm việc thiết kế trang trí trần, tường, sàn, thiết kế ánh sáng, thiết kế mẫu và kiểu dáng đồ đạc…) thực tế chưa cần thiết ngay ở giai đoạn này, nhưng nếu bắt đầu ngay việc thiết kế sớm có thể giúp căn nhà hoàn thiện hơn. Vì nếu sau khi xây dựng xong phần thô căn nhà mới bắt đầu thiết kế nội thất, chuyên gia nội thất cho rằng cần phải phá bỏ mảng tường này, xây thêm mảng tường kia… khi đó chi phí để thay đổi sẽ tốn kém nhiều hơn và kéo dài thời gian thi công.

Hiện nay có nhiều công ty thiết kế sau khi ký hợp đồng với khách hàng xong, họ không trực tiếp thiết kế mà khoán lại (bán thầu thiết kế) cho một nhóm thiết kế nhỏ khác (gọi là B phẩy), họ giữ lại 40% đến 60% giá trị hợp đồng. Như vậy bên nhận lại (B phẩy) chỉ còn 40% – 60% giá trị hợp đồng và B phẩy thường là các Kiến trúc sư mới ra trường, Kỹ sư mới ra trường (chưa có kinh nghiệm), thậm chí là các sinh viên đang học việc thực hiện. Vì vậy chất lượng thiết kế kém, nhiều thiếu sót, không thực tế và khi đem ra thi công sẽ không hợp lý nhiều điều và việc đập đi để sửa lại là điều tất nhiên. Khi điều này xảy ra, các bạn là người chịu thiệt thòi nhất: thẩm mỹ kém, chất lượng kém, kéo dài thời gian thi công và kinh phí tăng lên nhiều, hiệu quả sử dụng kém. Khi bán thầu thiết kế, thì bên B phẩy nhận được tiền thù lao ít ỏi cộng với năng lực yếu, chưa có kinh nghiệm nên thời gian thiết kế kéo dài lên gấp đôi, từ 3-5 tháng cho việc thiết kế một căn nhà phố hay biệt thự.

Các nhà thầu thiết kế có báo giá thấp thường có năng lực yếu, vì vậy chất lượng hồ sơ thiết kế kém và khi thi công chủ đầu tư phải tháo dỡ và sửa đi sửa lại nhiều lần và điều này làm cho giá thành công trình sẽ cao lên hơn khoản chênh lệch phí thiết kế, chất lượng công trình kém.

[Để xem các tin bài khác cùng chủ đề “Cẩm nang xây nhà”, vui lòng nhấn vào đây]

 

 

(Theo Nhà Đẹp kiến trúc)

Bình luận hay chia sẻ thông tin
  Từ khóa của bài viết:
  Chủ đề của bài viết: