Cẩm nang xây nhà – Bài 4: Lựa chọn nhà thầu xây dựng (P.1)

Tháng Tám 05 03:50 2012

Các bạn đang xem loạt bài “Cẩm nang xây nhà”, để xem mục lục của cẩm nang này, vui lòng nhấn vào đây

Nhà thầu xây dựng

Thực hiện xong bước 3, các bạn đã có trong tay các thành phần như sau: một bộ hồ sơ thiết kế kỹ thuật thi công chi tiết hoàn chỉnh, một bộ dự toán thi công, giấy cấp phép xây dựng. Đây là cơ sở để tiếp tục tiến hành bước thứ 4 này. Tuy nhiên, nếu còn cảm thấy chưa yên tâm hoàn toàn về chất lượng của các hồ sơ kể trên, các bạn có thể tiến hành thủ tục kiểm định, kiểm tra lại các hồ sơ tại các đơn vị chuyên môn.

Công việc tiếp theo là phải lựa chọn được một nhà thầu xây dựng hợp lý. Hợp lý có nghĩa là phải lành nghề, làm chất lượng tốt, giá cả hợp lý, thời gian thi công nhanh, thực hiện tốt an toàn lao động. 

Thầu xây dựng

Ví dụ cho trường hợp bán thầu: Nếu nhà thầu chính nhận được công trình có giá trị 10 tỷ đồng. Nhà thầu chính mà bán thầu thì giữ lại 15% tương đương 1,5 tỷ. Nhà thầu phụ còn lại 10 tỷ – 1,5 tỷ = 8,5 tỷ (trên giấy tờ, thực tế không tới) và nhà thầu phụ cũng muốn kiếm lợi nhuận 10% tương đương 0,85 tỷ và thầu phụ còn bị cán bộ giám sát nhà thầu chính vòi vĩnh 1% tương đương 0,085 tỷ. Như vậy giá trị công trình chỉ còn 8,5 tỷ – 0,85 tỷ – 0,085 tỷ = 7,565 tỷ. Chưa kể trường hợp nhà thầu phụ đi rút tiền ở nhà thầu chính còn bị kỹ thuật + kế toán + thủ quỹ của nhà thầu chính gây khó dễ và thầu phụ bị mất thêm 1 khoản tiền chi phí đáng kể nữa. Từ đây nhà thầu phụ tìm cách rút bớt chất lượng công trình để bù vào các phần tiền bị mất. Trường hợp này các bạn chắc chắn nhận được công trình chất lượng kém, xuống cấp nhanh, tuổi thọ giảm đi nhiều…

Trong khi đó nếu các bạn hàng giao cho nhà thầu chính trực tiếp thi công (các bạn nên chọn nhà thầu trực tiếp thi công) với lợi nhuận 10 % tương đương 1 tỷ. Giá trị công trình còn lại là 10 tỷ – 1 tỷ = 9 tỷ và điều này làm công trình tốt hơn rất nhiều so với trường hợp bán thầu (vì bán thầu giá trị công trình chỉ còn tối đa 7,565 tỷ, tất nhiên công trình sẽ có chất lượng kém). Nhà thầu phụ khó mà nhận đủ số tiền 8,5 tỷ từ nhà thầu chính. Thầu chính và một số cán bộ chủ chốt của thầu chính hay tìm lý do này, lý do nọ để trừ tiền và giam tiền thầu phụ. Chính các điều này làm thiệt hại rất lớn cho các bạn và khó khăn cho anh em công nhân tham gia xây dựng công trình (thầu phụ không đủ tiền để trả lương kịp thời cho công nhân …)

Nếu nhà thầu phụ (thường gọi là B’)mà bán thầu tiếp cho thầu khác (thường gọi là B”) thì giá trị công trình chỉ còn tối đa 6,3 tỷ. Trường hợp này các bạn chắc chắn nhận được công trình chất lượng rất kém, xuống cấp nhanh, tuổi thọ chỉ còn một nửa và vừa sử dụng vừa lo sửa chữa, thậm chỉ không dám sử dụng…

Cân nhắc về vấn đề giá cả

Giá thành xây dựng phụ thuộc vào năng lực, uy tín và trách nhiệm của mỗi nhà thầu. Nhà thầu có uy tín cao, trách nhiệm, sản phẩm có chất lượng tốt, thẩm mỹ tốt thì có giá hợp lý. Còn nhà thầu có năng lực yếu, thiếu trách nhiệm, không có uy tín thì luôn nhận giá thấp hơn và công trình có chất lượng kém, hay xảy ra sự cố, vì vậy công trình nhanh xuống cấp…

Các bạn không nên chọn nhà thầu có giá thấp (hầu hết là nhà thầu “dỏm”), bởi vì họ sẽ rút ruột công trình, làm công trình kém chất lượng và bày vẽ phát sinh để kiếm lợi nhuận. Nếu không làm được điều này, họ sẽ làm việc cầm chừng, kéo dài thời gian thi công và có thể bỏ ngang công trình bất cứ lúc nào. Một số nhà thầu bỏ giá thấp để nhử mồi khách hàng, một số khách hàng thấy giá thấp và chọn, như vậy sẽ rất tác hại. Bởi vì khi nhà thầu bỏ giá rẻ họ lại chọn vật liệu kém chất lượng để bù vào phần chênh lệch.

Vật liệu xây dựng

Ví dụ: Họ chọn cát mịn, có lẫn tạp chất có giá rẻ hơn cát sạch có hạt lớn đến 60% giá thành. Khi mua thiết bị vệ sinh nhà thầu “dỏm” rút bộ xả xịn và thay bộ xả dỏm (giá thấp hơn 25%), rút nắp bồn cầu xịn thay nắp dỏm (giá thấp hơn 20% – 25%), cửa sắt làm loại sắt mỏng, cửa gỗ thì dùng loại gỗ có chất lượng kém (giá thành lệch đến 30%) ống cấp thoát nước dùng loại tổ hợp (rất nhanh bị lão hóa, tuổi thọ kém), các thiết bị điện cũng dùng loại tổ hợp. Sắt thép thì dùng loại tổ hợp (giá rẻ hơn thép nhà máy 12%) trà trộn vào thép nhà máy…

Sau khi lựa chọn được nhà thầu ưng ý, các bạn cần chuyển bộ hồ sơ thiết kế kỹ thuật thi công cho nhà thầu xem để họ hiểu về căn nhà, góp ý vào một số chỗ bất hợp lý (nếu có), tạo điều kiện cho công tác khởi công xây dựng được tốt đẹp.

Căn cứ vào hồ sơ thiết kế kỹ thuật thi công, nhà thầu sẽ dự tính và lên một bảng báo giá thi công chi tiết cho chủ nhà hoặc các bạn cũng có thể yêu cầu công ty xây dựng báo giá trên mét vuông sử dụng, trong đó đính kèm bản vẽ thiết kế có sẵn và bảng chủng loại vật tư đầy đủ dùng cho công trình .

Sau khi thống nhất được về báo giá thi công, các bạn bắt đầu tiến hành ký kết hợp đồng thi công xây dựng với nhà thầu. Sau khi ký hợp đồng với nhà thầu xây dựng tốt, các bạn ứng tiền cho nhà thầu và nhà thầu nên mua ngay các loại vật tư chính: sắt thép, hợp đồng gạch xây, xi măng, các loại cửa… Như vậy mới an toàn cho công trình, không sợ bị trượt giá.

[Để xem các tin bài khác cùng chủ đề “Cẩm nang xây nhà”, vui lòng nhấn vào đây]

 

 

(Theo Nhà Đẹp kiến trúc)

Bình luận hay chia sẻ thông tin
  Từ khóa của bài viết:
  Chủ đề của bài viết: