Một số điểm cần lưu ý khi thâm nhập thị trường Hoa Kỳ (Phần 2)

Tháng Bảy 18 03:55 2018

Bạn đang theo dõi phần 2 của loạt bài “Một số điểm cần lưu ý khi thâm nhập thị trường Hoa Kỳ”, để theo dõi phần 1 vui lòng nhấn vào đây.

2. Xây dựng chiến lược cạnh tranh

Trong kinh doanh, có hai hướng cạnh tranh cơ bản đó là cạnh tranh bằng giá và cạnh tranh về sản phẩm. Về giá thì hiện nay quy mô sản xuất của hầu hết các doanh nghiệp thuần Việt Nam còn nhỏ lẻ và manh mún, chủ yếu lệ thuộc vào nhập khẩu hoặc gia công. Những điều này cùng với sự yếu kém trong công tác quản lý dẫn đến việc giá thành sản xuất cao và không có tính ổn định về số lượng, chất lượng cũng như thời hạn giao nhận hàng. Bên cạnh đó giá thành nhập khẩu một số mặt hàng Việt Nam vào thị trường Hoa kỳ lại bí áp thuế nhập khẩu cao hơn với từ các nước có ưu đãi thương mại đặc biệt với Hoa Kỳ, hơn nữa cước phí và thời gian vận chuyển hàng hóa từ Việt Nam sang Hoa Kỳ cũng cao và dài hơn so với từ nhiều quốc gia khác. Những điều kể trên đã dẫn đến việc không ít sản phẩm của các doanh nghiệp Việt Nam sẽ khó có khả năng cạnh tranh bằng giá vì thế sự khác biệt của sản phẩm có thể là chiến lược phù hợp cho các doanh nghiệp Việt Nam khi thâm nhập vào các thị trường ngách. Các doanh nghiệp cần tập trung đầu tư khai thác tốt những lợi thế cạnh tranh nổi bật của Việt Nam hiện nay đó là lao động rẻ, khéo tay … nhằm tạo ra những mặt hàng độc đáo, mới lạ nhất là những mặt hàng đòi hỏi tay nghề cao và có giá trị gia tăng cao.

Đối với phần lớn các Doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, trong khi gặp rất nhiều khó khăn hay thậm chí là chưa tự nghiên cứu và phát triển được sản phẩm và chưa có đủ năng lực tài chính để xây dựng được thương hiệu cho sản phẩm riêng của mình thì một hướng đi phù hợp và hiệu quả đó là tận dụng lao động rẻ và khéo tay trong nước, tổ chức lại sản xuất cho hợp lý và hiệu quả để có thể trở thành những nhà sản xuất chiến lược theo hợp đồng đặt hàng từ những các Công ty lớn trên thế giới (Original Equipment Manufacturer – OEM) là những doanh nghiệp không sản xuất mà chỉ bán hàng đến người tiêu dùng, những hàng hóa họ tiêu thụ có thể do chính họ thiết kế sau đó đặt sản xuất hoặc do chính nhà sản xuất thiết kế. Khi sản xuất đã đi vào ổn định với quy mô lớn và có tích lũy tài chính, lúc đó có thể tính đến việc xây dựng thương hiệu sản phẩm của riêng mình. Trước mắt thay vì cho xây dựng thương hiệu sản phẩm nhắm tới người tiêu dùng thì các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam có thể tập trung tạo dựng xây dựng thương hiệu doanh nghiệp mình theo tiêu chí khả năng sản xuất lớn, ổn định về số lượng, chất lượng, giá cả, thời gian giao hàng đúng hạn …) nhằm thu hút sự chú ý và hợp tác của các doanh nghiệp OEM.

3. Tham gia hội chợ

Việc trưng bày hàng mẫu và quảng bá tại các hội chợ là một trong những phương pháp xúc tiến thương mại phổ thông nhất hiện nay mà các chính phủ cũng như doanh nghiệp sử dụng. Hội chợ chuyên ngành là nơi tập trung nhất để các doanh nghiệp có thể khảo sát nhu cầu và cạnh tranh của thị trường cũng như tìm kiếm bạn hàng. Tuy nhiên chi phí tham gia trưng bày và quảng bá tại một hội chợ tại nước ngoài và đặc biệt tại Hoa kỳ là rất cao. Cụ thể là chi phí trưng bầy tại một gian hàng tiêu chuẩn quốc tế (3mx3m) tại một hội chợ Hoa Kỳ tối thiểu là 13-15 ngàn USD (bao gồm chi phí thuê gian hàng, thiết bị, thiết kế dàn dựng, hàng mẫu, cước phí vận chuyển hàng mẫu trước và sau hội chợ, chi phí ăn ở đi lại cho cán bộ …). Bên cạnh đó nếu việc trưng bày tại hội chợ không được chuẩn bị chu đào hay không chuyên nghiệp thì không những sẽ tốn kém chi phí mà sẽ tại ra ấn tượng xấu đối với khách hàng mà điều này sẽ rất khó có thể khắc phục lại. Vì thế trước khi quyết định tham gia hội chợ, doanh nghiệp nhất thiết phải nghiên cứ rất kỹ theo một số tiêu chí sau:

Hình minh họa từ internet

– Lựa chọn hội chợ phù hợp để tham gia:

Hàng năm, tại Hoa Kỳ có tới hàng nghìn hội chợ thương mại với quy mô lớn, nhỏ khác nhau và đều do các doanh nghiệp hội chợ tư nhân tổ chức. Những thông tin về các hội chợ được đăng tải trên trang web của các công ty này và nhìn chung những hội chợ chuyên ngành đều đã được tổ chức nhiều năm và tổ chức thường niên đều là những hội chợ uy tín. Những doanh nghiệp làm ăn dài tại Hoa Kỳ thương tiến hành khảo sát rất kỹ các hội chợ chuyên ngành có liên quan để lựa chọn những hội chợ phù hợp và một khi đã quyến định tham gia trưng bày tại một hội chợ nào thì họ sẽ tham gia đều đặn qua nhiều năm để không những giới thiệu được các sản phẩm mới mà còn là dịp để họ gặp gỡ khách hàng quen để củng cố và tăng cường mồi quan hệ kinh doanh. Chính vì vậy, các doanh nghiệp mới lần đầu tham gia trưng bày tại các hội chợ tại Hoa Kỳ sẽ rất khó thuê gian hàng và thường là phải xếp hàng nhiều năm mới có thể thuê được. Ngoài ra, một số hội chợ tại Hoa Kỳ chỉ dành cho các công ty có đăng ký kinh doanh tại Hoa Kỳ tham gia vì thế các doanh nghiệp và các nhà cung cấp Việt Nam khi muốn tham gia trưng bày tại những hội chợ đó phải có liên kết với một đối tác Hoa Kỳ.

– Lựa chọn hàng mẫu trưng bày

Trên cơ sở kết quả nghiên cứu thị trường, tại mỗi hội chợ, các doanh nghiệp thường chỉ trưng bày một số mặt hàng có tiềm năng tiêu thụ tại thị trường mục tiêu chứ không trưng bày tràn lan tất cả những gì họ đang sản xuất hoặc tiêu thụ tại nội địa hoặc những thị trường khác. Mặt khác, phần lớn hàng xuất khẩu công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là gia công hoặc sản xuất theo mẫu mã đặt hàng của người nước ngoài mà mục đích khi tham gia trưng bày tại các hội chợ tại nước ngoài là để giới thiệu khả năng sản xuất để thu hút khách hàng nước ngoài vì thế khi tham gia không cần trưng bầy quá nhiều mẫu mà thay vào đó yêu cầu quan trọng nhất đó là trưng bày những mẫu hàng phù hợp với xu hướng tiêu dùng chung của thị trường và thể hiện được khả năng sản xuất của mình về chủng loại sản phẩm, độ tinh xảo, chất lượng, kiểu dáng, nguyên liệu … Hàng mẫu trưng bày có thể là hàng đang sản xuất, tiêu thụ trong nước và những thị trường khác thậm chí là được thiết kế và sản xuất mới hoàn toàn theo yêu cầu thị trường Hoa Kỳ.

[Để xem thêm các tin bài khác về Thị trường Hoa Kỳ, vui lòng nhấn vào đây]

(Theo Vietrade – 11/2013)

Bình luận hay chia sẻ thông tin