Quan hệ hợp tác Việt Nam – Vương quốc Anh (Phần 1)

Tháng Bảy 19 03:55 2018

1. Quan hệ ngoại giao

Việt Nam và Anh thiết lập quan hệ ngoại giao cấp đại sứ ngày 11/9/1973. Hiện nay quan hệ Việt-Anh có thể nói đang phát triển khá rộng trên nhiều lĩnh vực chính trị, kinh tế, giáo dục, quốc phòng… Anh đã ký với ta hầu hết các hiệp định kinh tế khung; dự kiến đưa Việt Nam thành một trong những nước nhận viện trợ ODA hàng đầu trong khu vực; cam kết ủng hộ ta sớm gia nhập WTO, tăng cường quan hệ với EU và ứng cử ghế Uỷ viên không thường trực HĐBA LHQ khoá 2008-09. Chuyến thăm chính thức Vương quốc Anh của Chủ tịch nước Trần Đức Lương tháng 5/2004 đánh dấu một mốc phát triển quan trọng trong quan hệ hai nước. Mối quan hệ này ngày càng phát triển tốt đẹp giữa Vương quốc Anh và Việt Nam. Đặc biệt kể từ sau chuyến thăm vương quốc Anh đầu tiên của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hồi đầu tháng 3/2008.

Lễ kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam – Vương quốc Anh (11/9/1973 – 11/9/2013)

Trao đổi đoàn

Phía Việt Nam: Thủ tướng Võ Văn Kiệt thăm Anh 1993; Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh 1994; Thủ tướng Phan Văn Khải dự ASEM-2 1998; Phó Thủ tướng Vũ Khoan 2003; Bộ trưởng Nguyễn Dy Niên 1998, 2003; các Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư, Giáo dục…, nhiều Thứ trưởng, Chủ tịch tỉnh và thành phố của ta đã thăm Anh. Tháng 5/2004, Chủ tịch nước Trần Đức Lương thực hiện chuyến thăm chính thức theo lời mời của Nữ hoàng Anh. Tháng 3/2008, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu phái đoàn cấp cao sang Anh thảo luận với thủ tướng Gordon Brown và các bộ trưởng về năm vấn đề: Vấn đề thương mại, kinh tế, đầu tư; phát triển giao thông nông thôn và phòng chống HIV/AIDS tại Việt Nam; hợp tác quan hệ quốc tế; giáo dục đào tạo; vấn đề di cư và phòng chống tội phạm có tổ chức. Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân (3/2010), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn (10/2011)

Phía Anh: Công chúa Anne 2 lần 1995, 2002, Hoàng Tử Xứ York Andrew 1999; lãnh đạo cao cấp nhất: Phó Thủ tướng J.Prescott 2001; Ngoại trưởng 1995 và 1997; các Bộ trưởng và Quốc vụ khanh Tài chính, Hợp tác phát triển, thương mại; Uỷ ban HTPT Hạ viện; Thị trưởng London, Đại sứ Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland, cựu Thủ tướng Anh Tony Blair, Quốc Vụ khanh Bộ Ngoại giao Anh Jeremy Browne, Bộ trưởng Ngoại giao Anh William Hague, …

2. Quan hệ hợp tác kinh tế – thương mại

Việt Nam và Anh đã ký hầu hết các hiệp định khung như Hiệp định tránh đánh thuế hai lần, Hiệp định về Bảo hộ và Xúc tiến Đầu tư….

Các Thoả thuận và Hiệp định đã ký kết:
– Chương trình trợ giúp kỹ thuật cho Việt Nam (10 triệu Bảng cho 13 dự án nghiên cứu khả thi về sửa chữa hệ thông cầu trên quốc lộ 1A) ký 7/1993.
– Chương trình hồi hương người Việt Nam ra đi bất hợp pháp sang Hồng Kông (100 triệu USD thông qua EU cho giai đoạn1991-92.
– Hiệp định vận tải hàng không ký 19/8/1994 (sửa đổi lại năm 2001). Hiệp định khung về tài chính (50 triệu Bảng tín dụng ưu đãi, 35% cho không, 65% tín dụng thương mại) ký 15/9/1994. Chính phủ mới lên cầm quyền 5/1997 đã thay đổi mục đích sử dụng tín dụng, do đó Hiệp định này đã bị huỷ bỏ).
– Thoả thuận giải quyết nợ song phương (xoá 50% nợ, còn nợ 10,4 triệu Bảng) ký 10/1994.
– Hiệp định tránh đánh thuế trùng ký 9/4/1995.
– Thoả thuận về quy chế chuyên gia tư vấn kỹ thuật ký 1995.
– Thoả thuận Tài trợ tín dụng giảm nghèo (PRSC- Poverty Reduction Support Credit) đồng ký với WB và một số nước khác ngày 29/11/2001, trong đó Anh đóng góp 14 triệu Bảng Anh (trên 20 triệu USD).
– Hiệp định về quy chế và hoạt động của Hội đồng Anh tại Việt Nam (10/12/2001).
– Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư (1/8/2002).
– Hiệp định về tài sản ngoại giao ký tháng 9/2003.

Thương mại

Quan hệ thương mại Việt Nam – Anh tăng nhanh từ những năm 90 đến nay. Trong 5 năm qua, xuất khẩu của Việt Nam sang Anh tăng từ 20-25%/năm, ta liên tục xuất siêu. Những mặt hàng xuất chủ yếu : giày dép (53%), dệt may (12%), chè và cà phê (8%), gạo (8%), thuỷ sản (3%), cao su… Những mặt hàng nhập khẩu chủ yếu từ Anh: hàng gia công chế biến và thiết bị công nghiệp (38%), hoá chất (21%), thiết bị viễn thông (6%), thuốc lá (3%)…Thương mại song phương Việt – Anh trong năm 2006-2007 vẫn giữ nhịp độ tăng trưởng cũ. Năm 2006, thương mại song phương Anh Việt đạt 1,8 tỷ đô la; trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Anh 1,6 tỷ; Anh xuất khẩu sang Việt Nam chỉ trên 200 triệu. Năm 2007, kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt mức cao, 2 tỷ USD. Đầu năm 2008, chuyến thăm thành công của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sang Vương quốc Anh hứa hẹn kim ngạch thương mại giữa hai nước sẽ tăng mạnh trong thời gian tới.

Kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Vương quốc Anh
Giai đoạn 2001 – 2009

Năm 2010, Việt Nam xuất khẩu sang Anh 1,681 tỷ USD và nhập khẩu từ Anh 511 triệu USD. Năm 2011, Việt Nam nhập 646 triệu USD từ Anh và xuất khẩu 2,398 tỷ USD sang Anh. Đến năm 2012, tổng giao dịch thương mại của hai nước là 3,575 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Anh là 3.033 tỷ USD và nhập khẩu từ Anh 542 triệu USD. Năm 2013, Anh cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam tăng cường quan hệ kinh tế và thương mại với EU; ủng hộ EU sớm công nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường. Hai bên sẽ nỗ lực nhằm đưa kim ngạch thương mại hai chiều đạt mức 4 tỷ USD và FDI của Anh vào Việt Nam đạt mức 3 tỷ USD.

Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Anh
năm 2012 và 4 tháng năm 2013

Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu của Việt Nam từ Anh
năm 2012 và 4 tháng năm 2013

[Để xem các bài viết khác có cùng chủ đề “Thị trường Anh”, vui lòng nhấn vào đây]

(Theo Vietrade – 2013)

(Còn tiếp)

Bình luận hay chia sẻ thông tin