Thiết kế góc làm việc đôi ấn tượng

Tháng Mười Một 18 03:50 2012

Những góc làm việc đôi được thiết kế khoa học, đẹp mắt không tốn quá nhiều diện tích lại giúp chủ nhân thêm hứng thú học tập và sáng tạo.

Không phải gia đình nào cũng may mắn sở hữu một ngôi nhà hay căn hộ rộng rãi để thiết kế đầy đủ mọi không gian một cách lý tưởng nhất. Tuy nhiên, chính những hạn chế về diện tích hay ngân sách đôi khi lại thúc đẩy sự tìm tòi, sáng tạo trong “quy hoạch” và bài trí tổ ấm của chủ nhân. Những góc làm việc đôi cũng là ý tưởng thú vị để vợ chồng hay con cái cùng chia sẻ không gian trí thức của gia đình. Bàn ghế, giá kệ được lựa chọn và sắp đặt hợp lý sẽ giúp bạn tận dụng tối đa không gian mà vẫn tạo cảm giác thoải mái khi sử dụng.

1. Sử dụng những chiếc bàn dài

Cách đơn giản nhất là tận dụng khoảng trống dọc bức tường đủ dài của ngôi nhà để kê một chiếc bàn dài (hay hai chiếc bàn ngắn liền kề nhau). Tùy vào tâm lý và sở thích của người sử dụng mà quyết định bài trí nhất quán với những giá kệ chung cho cả hai hay trang trí những gam màu và lựa chọn những món đồ riêng biệt cho từng góc nhỏ. Tuy nhiên, kệ treo tường dạng mở và loại bàn chân mảnh gầm trống để ẩn ghế khi không sử dụng nên được ưu tiên nhằm tạo sự thông thoáng và gọn gàng cho không gian này.

Với góc học tập của thanh thiếu niên hay trẻ nhỏ, phụ huynh nên tham khảo ý kiến của chúng về màu sắc vật dụng hay cách bài trí riêng để chúng thực sự hài lòng và yêu mến góc riêng tư của mình. Tông màu rực rỡ thường được chủ nhân trẻ tuổi lựa chọn để thể hiện sự năng động, cá tính. Mỗi lứa tuổi và giới tính sẽ có gu thẩm mĩ riêng, những khung tranh, bảng dán giấy nhớ được treo giữa hai kệ sách riêng cũng giúp góc tri thức thêm bắt mắt.

2. Kê 2 bàn làm việc vuông góc

Thiết kế bàn làm việc vuông góc cho hai thành viên là giải pháp thông minh cho những căn hộ có khoảng trống tương đối gần hai mảng tường ngắn liền kề. Những ô cửa sổ hứng sáng và đón gió tự nhiên sẽ giúp cho việc học tập, làm việc thêm thoải mái và hiệu quả. Tuy nhiên, bạn cần đảm bảo rằng cửa sổ không hướng ra khu vực tấp nập, ồn ã vì nó có thể ảnh hưởng đến sự tập trung khi làm việc.

3. Tạo môi trường thảo luận

Nếu hai vợ chồng hay những đứa trẻ thích môi trường thảo luận và làm việc nhóm thì việc bố trí một chiếc bàn với ghế ngồi đối diện nhau sẽ tạo được hứng thú nhất định. Góc nhỏ gọn gàng này dễ dàng trở thành bàn giải trí cho cả hai chủ nhân vào thời gian rảnh rỗi.

4. Góc riêng tư tương đối

Bạn muốn hai đứa trẻ có góc học tập riêng nhưng căn hộ lại có diện tích hạn hẹp, hãy ưu tiên một khoảng nhất định để tạo môi trường tập trung cho từng người. Hai chiếc bàn đơn giản kê sát tường với vị trí ngồi quay lưng có thể giúp con yêu của bạn cảm nhận được sự riêng tư cần thiết. Yếu tố ánh sáng cần được lưu tâm đặc biệt để trẻ lao động hiệu quả và không ảnh hưởng tới thị lực.

Hoặc chiếc bàn đôi được ngăn cách tương đối bằng kệ cao ở giữa cũng giúp hai người có không gian riêng. Việc sắp xếp sách vở, tư liệu ngăn ngắp và sử dụng những chiếc giỏ treo ở thành ngoài kệ đồ hay trên nóc kệ giúp bạn tận dụng không gian tối ưu hơn.

[Để xem các bài viết khác có cùng chủ đề “Giải pháp thiết kế”, vui lòng nhấn vào đây] 

(Nguồn: archi.vn)

Bình luận hay chia sẻ thông tin
  Từ khóa của bài viết:
  Chủ đề của bài viết: