Cẩm nang sửa nhà – Bài 21: Một số thắc mắc khi sửa chữa nhà (phần 1)

Tháng Tám 22 03:50 2012

Các bạn đang xem “Bài 21: Một số thắc mắc khi sửa chữa nhà (phần 1)” trong loạt bài “Cẩm nang sửa nhà”, để xem mục lục trong cẩm nang này, vui lòng nhấn vào đây

Câu hỏi: Một hiện tượng hết sức phổ biến đó là phòng tắm thường bị thấm xuống tầng dưới. Tầng 4 xuồng tầng 3, tầng 3 xuống tầng 2… Chỉ có mỗi tầng trên cùng là thoát. Vậy khi ốp lát phòng tắm, nhà vệ sinh nên chống thấm thế nào? Dùng chất chống thấm nào trước khi cán nền, ốp lát cần làm gì để không bị thấm?

Trả lời:
Đây là một vấn đề cực kì dễ giải quyết. Nhiều người không biết đã chống thấm rất nhiều công đoạn, chống thấm trước cán nền, khi cán nền và khi ốp lát. Rất lãng phí thời gian và tiền. Bạn phải hình dung, toàn bộ nước trong nhà vệ sinh khi chảy xuống nền đều dồn về vị trí ống thoát sàn. Bản thân gạch men ốp lát là nước không thấm qua được (bằng chứng là mọi người vẫn ốp gạch men xây bể cá).Vậy nguyên nhân chỉ còn lại là các mạch gạch.

Khi làm mạch bằng xi măng trắng nếu không pha loãng, lớp xi măng thường chỉ bám thành màng, không có chân bám, sau thời gian sẽ bị nứt, vỡ. Cộng thêm khả năng chống thấm nước của xi măng trắng không cao. Nên làm mạch bằng nước xi măng trắng pha thật loãng để xi măng trắng thấm sâu vào mạch, có chân bám, nước xi măng trắng sẽ ngót đi, bạn phải làm như vậy nhiều lần. Tốt hơn và cẩn thận hơn, bạn nên pha nước xi măng với chất chống thấm thích hợp. Đặc biệt lưu ý mạch gạch xung quanh nền (mạch giao giữa tường và nền), nhất là vị trí hộp kĩ thuật và xung quang vị trí thoát sàn. Đó là những nơi hay bị thấm nhất.

Câu hỏi: Nhà tôi bị bị một số vết nứt ở trần và đặc biệt bị nhiều vết nứt tại vị trí giao nhau gĩưa các bức tường. Phải xử lý thế nào?

Trả lời:
Bạn phải theo dõi những vết nứt đó Sau 1 tháng 2 tháng hay 1 năm 2 năm, càng ngày vết vứt càng to hay không còn dấu hiệu nứt nữa. Nếu vết nứt càng ngày càng to, không có dấu hiệu dừng lại, đó là nứt do kết cấu. Nứt do kết cấu thì không khắc phục được. Đến xi măng cốt thép còn bị xé ra thì không có một loại xi măng, cát, hay keo bê tông gì có thể giữ được. Nếu các vết nức có dấu hiệu không nứt to nữa, tức là đã ổn định. Vết nứt ở trần thì đục rộng ra để có chân bám, bơm keo bê tông rồi trát. Tại vị trí tường giao nhau hay bị nứt, rất có thể do khi xây không bắt mỏ cài gạch vào nhau nên bị tách ra tạo vết vứt. Khắc phục bằng cách uốn sắt 6 dài 20 cm, 2 đầu hình chữ U. Cách 40 cm đục một lỗ cài sắt vào làm mỏ câu giữa hai bức tường rồi trát lại.

Câu hỏi: Tôi muốn lát lại nền nhà. Nên lát đè lên gạch cũ hay cạy lớp gạch cũ đi lát mới?

Trả lời:
* Ốp đè lên nền gạch cũ:
– Ưu điểm:
+ Nhanh hơn (bỏ đuợc giai đoạn cạy nền cũ)
+Tiết kiệm chi phí hơn (Không mất tiền công cạy lên, không mất tiền đổ thế thải khi cậy nền).
– Nhược điểm:
+ Phần lớn các cửa đi chỉ để cách nền nhà 5 đến 7 mm. Trong khi lớp nền mới tối thiểu khoảng gần 20 mm. Cửa sẽ không đóng được, bạn phải cưa cửa. Nếu bạn không mê tín thì tốt, nếu có thì bạn nên biết việc cưa cửa là bị kiêng lúc đó bạn phải tháo toàn bộ khung cửa ra chèn lại, nâng cao lên. Nâng cái cái cửa, đồng nghĩa với việc nâng toàn bộ các cửa khác lẫn cửa sổ. Vì toàn bộ chúng phải cao bằng nhau.
+ Nền mới đè lên nền cũ sẽ bị tách lớp, khả năng bám dính vào lớp gạch men cũ là rất kém. Ngoài ra nền mới đè lên nền cũ gọi là nền nhà 2 lòng. Nếu bạn là người mê tín, thì đó cũng là việc rất kiêng.

* Cậy nền cũ rồi ốp mới:
– Ưu điểm: Đẹp, bền, tạo cốt nền theo ý muốn
– Nhược điểm: Tốn kém hơn rất nhiều, thường là gấp đôi

[Để xem các tin bài khác cùng chủ đề “Cẩm nang sửa nhà”, vui lòng nhấn vào đây]

 

 

(Theo Nhà Đẹp kiến trúc)

Bình luận hay chia sẻ thông tin
  Từ khóa của bài viết:
  Chủ đề của bài viết: