MW archstudio – Working Space – Không gian đáng để làm việc

Tháng Chín 17 14:00 2020

Với công trình văn phòng – MW archstudio – Working Space, các KTS của MW archstudio hướng đến tạo được một không gian làm việc thoải mái, là môi trường tạo cảm hứng cho con người làm việc tốt nhất ở đó, hướng tới mục tiêu không gian “đáng để làm việc”.

Văn phòng công ty MW archstudio được xây dựng tại Thành phố Huế – Việt Nam. Văn phòng được xây dựng trên diện tích đất 150 m2, hình chữ nhật có các cạnh lần lượt là 7.5 m (mặt tiền chính, quay về hướng Tây Nam) và 20m. Khu đất này nằm trong khu quy hoạch dân cư mới hình thành cách xa trung tâm thành phố.

Hãy khám phá từng chi tiết của hình ảnh trong bài viết
bằng cách nhấn vào ảnh để xem ở chế độ chất lượng cao

Toàn cảnh MW archstudio – Working Space

Công trình có quy mô 2 tầng, không gian tầng 2 là không gian làm việc chính, tầng 1 là khu không gian mở đa chức năng: làm việc, tiếp khách, không gian họp, sinh hoạt chung, không gian sinh hoạt giao lưu sự kiện, training, triển lãm, các chức năng phụ trợ và thư giãn (bếp, wc, tắm trong nhà và ngoài trời, phòng xông hơi).

Với công trình văn phòng, vấn đề quan trọng là làm sao tạo được một không gian làm việc thoải mái, là môi trường tạo cảm hứng cho con người làm việc tốt nhất ở đó. Nếu như với một căn nhà – không gian sinh hoạt ở luôn được hướng tới là nơi “đáng sống” thì với văn phòng cũng nên hướng tới mục tiêu “không gian đáng để làm việc”. Từ đó sẽ tạo cảm hứng, đam mê và cống hiến – nhằm đạt hiệu suất làm việc và những năng lượng tích cực trong các sản phẩm, kết quả công việc mà con người sẽ tạo ra.

Thông thường đa số các văn phòng thường tập trung tại các khu vực đông người, trong các trung tâm đô thị công nghiệp ngột ngạt nhằm rút ngắn phạm vi, thời gian di chuyển, tương tác giữa những người làm việc với nhau và các hoạt động phụ trợ khác. Nhưng MW archstudio thì lại có cách nghĩ khác: Trong thời đại số hóa, thông tin trao đổi online là rất thuận tiện, nhanh và chính xác. Cùng lúc đó là hệ thống hạ tầng, giao thông công cộng đang rất phát triển. Nên vấn đề khoảng cách không còn quá ưu tiên. Mà vấn đề quan trọng lại nằm ở chất lượng môi trường sống, môi trường văn hóa tại không gian làm việc. Từ đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe, tinh thần của con người làm việc bên trong không gian ấy. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hiệu suất, sản phẩm, kết quả công việc của con người.

Do đặc thù MW archstudio hoạt động trong ngành thiết kế kiến trúc, đa phần là kiến trúc sư làm việc tại đây, nên không gian làm việc cũng có những đặc trưng riêng, và càng phải là nơi tạo cảm hứng tốt nhất có thể cho tinh thần những con người đang làm công việc sáng tạo kiến trúc.

Không gian làm việc kết nối với thiên nhiên

Với người thiết kế nói chung, công việc sáng tạo kiến trúc là một công việc tương đối phức tạp và nghiêm túc. Nhưng ở đó không chỉ có sự khô cứng của các vấn đề kỹ thuật, mà người kiến trúc sư cũng có rất nhiều bay bổng, ước mơ, chất thơ và uyển chuyển trong công việc sáng tạo. Các kiến trúc sư tại đây luôn định hướng tới “trong sáng, nhân văn, hướng tới nguồn năng lượng tính cực”. Từ đó dẫn tới cảm hứng tạo một không gian làm việc giữa một khu vườn tự nhiên. Ở đó con người được làm việc giữa tự nhiên, tương tác với tự nhiên thông qua các hoạt động làm việc hàng ngày. Cái tốt, cái đẹp của tự nhiên luôn là bền vững, là tấm gương phản chiếu những tác động của con người vào tự nhiên là tích cực hay tiêu cực, để từ đó con người tự đánh giá và điều chỉnh các hành vi của bản thân một cách kịp thời.

Ý tưởng này thể hiện rõ qua cách tạo hệ thống cửa đóng mở linh hoạt, nhằm xóa bỏ ranh giới giữa trong nhà và ngoài nhà. Hệ thống cây xanh và sỏi đá được bố trí trải dài, phủ kín tất cả từ ngoài vườn vào trong nhà, hầu hết toàn bộ diện tích tầng 1. Chỉ những công năng cần thiết nhất sẽ được bố trí trên sàn phẳng để hoạt động tại tầng này. Từ đó diện tích chiếm đất tại tầng 1 được tinh giảm tối đa nhất có thể.

Không gian mở không vách ngăn của MW archstudio

Màu sắc của các mảng tường, trần nhà chủ đạo là màu tối. Riêng các mảng tường tại các vị trí cây xanh chủ yếu là màu trắng. Không gian trong nhà được làm không gian mở, không làm các vách ngăn chia. Từ đó tạo hiệu ứng thị giác, giúp con người chỉ tập trung vào các khoảng vườn, màu xanh của cây, bầu trời…

Đồ nội thất với chất liệu trong suốt thống nhất

Đồ nội thất bàn, ghế chỉ dùng 1 chất liệu trong suốt thống nhất cho cả công trình, mục đích tạo hiệu ứng trong suốt, không chiếm không gian. Nhằm giúp không cản tầm nhìn từ mắt người tới vị trí có cây xanh, hay sàn nhà rải đá sỏi. Đồng thời hiệu ứng phản chiếu hình ảnh cây xanh, bầu trời trên bề mặt các bàn kính này, hay hình ảnh phản chiếu tương tự từ tấm vật liệu trần tầng 2, sẽ tạo cảm giác đem thiên nhiên lại gần con người nhất có thể dù ở bất kì vị trí nào trong văn phòng này.

Do văn phòng được thiết kế mở tối đa với vườn nên vấn đề ánh sáng được giải quyết triệt để. Hầu như vào ban ngày văn phòng không cần sử dụng đèn chiếu sáng, ngay cả trong thời tiết xấu, ánh sáng mặt trời yếu.

Do bố trí hệ thống cửa đóng mở chủ động, cùng với cấu tạo các lớp cửa lưới thép lỗ có thể xếp trượt độc lập nên vấn đề thông gió cho công trình rất linh động theo mùa có các hướng gió, hướng nắng thay đổi khác nhau, công trình không sử dụng máy lạnh dù có bố trí (máy lạnh là giải pháp dự phòng khi nhiệt độ tự nhiên quá nóng đồng thời không có gió). Hệ thống mái cũng được bố trí nhiều lớp vật liệu và các lớp đệm không khí, nhằm giảm nhận nhiệt trực tiếp từ bên trên mái và tản nhiệt dần qua các lớp đệm khí bên dưới trước khi vào tới không gian văn phòng từ trên trần tầng 2.

Thông qua lớp cửa lưới này, ánh sáng mặt trời vào ban ngày hay ánh sáng đèn vào ban đêm xuyên qua các lớp cửa tạo thành các hiệu ứng mỹ thuật hấp dẫn. Đặc biệt khi các hệ thống cửa này đóng mở theo từng lớp sẽ làm thay đổi tỉ lệ không gian giữa “đặc – rỗng” một cách linh hoạt và thú vị, đem đến nhiều cảm nhận không gian khác nhau trong cùng một diện tích.

Về vật liệu và kết cấu chung của công trình theo tiêu chí hạn chế tối đa các vật liệu gốc bê tông để giảm thiểu các tác động tiêu cực đối với môi trường. Phần kết cấu chính của văn phòng là kết cấu thép, hệ thống bao che bao gồm các tấm ốp từ vật liệu tái chế phế phẩm công nghiệp như tấm Cemboard, GACHMAT, các phần tường được xây dựng từ gạch không nung.

Phần sàn sân vườn tầng 1, tại các vị trí không bố trí cây xanh, nhóm thiết kế đã tạo ra một hệ thống thu và lọc nước mưa sau đó chuyển về hầm chứa dùng để tái chế tưới cây, sau đó nước thẩm thấu qua cây và lọc tự nhiên thêm một lần nữa trước khi thải ra môi trường tự nhiên. Điều này thể hiện rõ qua hệ thống thu nước đã lọc thông qua các lớp sỏi nhiều lớp, với nhiều kích thước sỏi khác nhau trải dài hầu hết tầng 1.

Với các cách làm trên, công trình đã sử dụng tối đa các năng lượng tự nhiên: ánh sáng, gió, nước…đồng thời sử dụng hầu hết các vật liệu được tái chế từ các phế phẩm công nghiệp, hay sử dụng các vật liệu có khả năng thu hồi, tiếp tục tái chế trong tương lai. Từ đó thể hiện trách nhiệm, ý thức bảo vệ môi trường, hạn chế tác động tiêu cực đến tự nhiên.

Do công trình được xây dựng trên vùng đất bản địa có bề dày lịch sử văn hóa, được giao thoa theo chiều dài lịch sử nên một số chi tiết phế phẩm cũ đặc trưng đại diện cho các nền văn hóa, đã được tái chế vào các công năng mới hay các chi tiết trang trí tại văn phòng nhằm thể hiện tính kế thừa trong một công trình hiện đại luôn tôn trọng, thể hiện rõ tính bản địa.

Công trình được xây dựng ở diện tích chiếm đất tối thiểu, nhường lại khoảng lùi đô thị lớn hơn qui định về mật độ xây dựng được cấp phép. Nhìn từ bên ngoài, chỉ thấy là một khu vườn tự nhiên chứ không phải là một khối kiến trúc, với ý tưởng “con người trả lại tự nhiên nhiều nhất để nhận lại nhiều nhất”. Vì là công trình đầu tiên xây dựng trong một khu đô thị mới, nhóm thiết kế tham vọng đây là một ví dụ điển hình nhằm ảnh hưởng tích cực tới tầm nhìn của các công trình xây dựng sau đó trong tương lai.

Thuyết minh của KTS:

Mặt bằng tầng trệt

Mặt bằng tầng 1

Mặt bằng mái

Mặt cắt công trình

Bản vẽ mặt đứng

Thông tin công trình:
Tên công trình: MW archstudio – Working Space
Đơn vị thiết kế: MW archstudio
Năm hoàn thành: 2019
Thể loại: Văn phòng
Vị trí dự án: Đường N2, KQH Thủy Thanh Giai đoạn 3, Phường Thùy Dương, Thành phố Huế, Việt Nam
KTS trưởng: Lê Minh Quang, Nguyễn Ái Thy
Đội ngũ thiết kế: Nguyễn Phước Quốc Thắng, Lê Thị Thu Hương
Kỹ sư: Lê Văn Hùng
Ảnh: Hiroyuki Oki

[Để xem các bài viết khác có cùng chủ đề “thiết kế văn phòng”, vui lòng nhấn vào đây]

 

 

(Nội dung và hình ảnh được cung cấp bởi  MW archstudio)

Bình luận hay chia sẻ thông tin
  Từ khóa của bài viết:
  Chủ đề của bài viết: