Ngành gỗ gian nan tìm chỗ đứng tại nội địa

Tháng Mười Một 23 03:56 2014

Do ảnh hưởng suy thoái kinh tế, dự báo tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của ngành gỗ Việt Nam năm 2012 chỉ đạt 11% so với mức 13% của năm 2011 và tiếp tục giảm trong năm 2013. Vấn đề cấp bách hiện nay của các doanh nghiệp (DN) trong ngành chính là quy hoạch vùng nguyên liệu, đổi mới công nghệ và đẩy mạnh tiêu thụ nội địa.

 Chưa có sự đồng bộ trong sản xuất

Ông Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch Hội mỹ nghệ và chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh (Hawa) cho biết, ngành chế biến gỗ của Việt Nam hiện có khoảng 1.600 DN đang hoạt động, tuy nhiên trong đó chủ yếu là DN nhỏ, nguồn vốn ít nên sự đầu tư công nghệ cho sản phẩm chưa cao. Đây được coi là điểm yếu của ngành vì ngoại trừ các DN nước ngoài thì hầu như các DN Việt Nam đều không đầu tư máy móc đồng bộ dẫn đến năng suất lao động thấp, giá trị thành phẩm không cao. Trong khi đó, áp lực cạnh tranh từ phía thị trường lại không ngừng gia tăng.

Cũng theo ông Thắng, từ đầu năm tới nay giá cả nguyên liệu đầu vào liên tục tăng trong khi đầu ra thì gần như không thay đổi. Thêm nữa, khi kinh tế khó khăn, nhiều sản phẩm thay thế gỗ có giá rẻ hơn như nhựa, sắt… cũng là một trong những nguyên nhân làm cho lượng tiêu thụ của ngành sụt giảm. Do đó, dự báo tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của ngành gỗ Việt Nam năm 2012 chỉ đạt 11% so với mức 13% của năm 2011 và tiếp tục giảm trong năm 2013. Đế đối phó với tình trạng trên, Hawa kiến nghị, các DN cần chung tay ổn định nguyên liệu bằng việc đầu tư vốn cho trồng rừng và đổi mới công nghệ để nâng cao giá trị sản phẩm xuất khẩu. Đồng thời, đẩy mạnh xúc tiến thương mại trong và ngoài nước để tìm đầu ra cho sản phẩm.

Nganh go gian nan tim cho dung tai thi truong noi dia

Gian nan tìm chỗ đứng tại nội địa

Theo nhận định của nhiều DN, tiềm năng của thị trường nội địa còn khá lớn, nhưng nếu không có chiến lược cụ thể, DN sẽ rất dễ bị “ngã ngựa” tại sân nhà. Nguyên nhân là do các DN xuất khẩu đã quen với việc sản xuất theo đơn đặt hàng nên số lượng thành phẩm lớn trong khi thị trường nội địa đòi hỏi sản xuất theo thị hiếu, nhu cầu của người tiêu dùng.

Ông Lê Hồng Thắng, Phó TGĐ Gỗ Đức Thành cho biết, điều khó khăn lớn nhất của DN chế biến gỗ khi phát triển ở thị trường nội địa là chọn phân khúc và xây dựng hệ thống phân phối. Vì vậy, gỗ Đức Thành khi nhắm đến thị trường nội địa từ năm 2005 đã chuẩn bị chiến lược “kiềng ba chân”, bao gồm cả xuất khẩu, nội địa và nhỏ lẻ, với lượng kênh phân phối gần 700 đại lý, siêu thị trên toàn quốc. Tuy nhiên, cho đến nay, thị trường nội địa do công ty nắm giữ mới chỉ ở con số chưa đến 30%. Nguyên nhân là do điểm khác biệt giữa sản phẩm xuất khẩu và phân phối trong nước là nhu cầu của khách hàng, một bên là sản xuất theo đơn đặt hàng và một bên nhà sản xuất phải theo thị hiếu khách hàng.

Còn ông Võ Trường Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành thì nhận định, thị trường trong nước tiềm năng nhưng 72% dân số tập trung ở nông thôn nên phần lớn DN không đủ năng lực mở rộng mạng lưới đại lý, cửa hàng. Bằng chứng cho thấy, Trường Thành dù rất nỗ lực tại nội địa từ năm 2005 nhưng tới nay doanh thu tại nội địa mới chỉ chiếm khoảng 30% trong tổng doanh thu.

Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vietforest), thị trường trong nước đang bị các sản phẩm gỗ xuất xứ từ Trung Quốc, Malaysia, Đài Loan chiếm lĩnh. Kết quả một số cuộc điều tra, khảo sát thị trường của Vietforest từ đầu năm cho thấy, chỉ có khoảng 20% doanh số tiêu thụ đồ gỗ trong nước thuộc về các sản phẩm của DN Việt Nam, còn lại 80% thuộc về các sản phẩm của các DN Malaysia, Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan…

[Để xem các bài viết khác có cùng chủ đề “Kênh phân phối nội địa”, vui lòng nhấn vào đây]

 

 

(Theo Báo Công Thương – 24/09/2014)

Bình luận hay chia sẻ thông tin
  Từ khóa của bài viết:
  Chủ đề của bài viết: