Khắc phục hiện tượng ngành gỗ bỏ ngỏ thị trường nội địa

Tháng Mười Hai 02 08:00 2014

Có một hiện tượng gần như là nghịch lý trong ngành sản xuất – kinh doanh gỗ ở nước ta hiện nay là các doanh nghiệp xuất khẩu lớn, giá trị kim ngạch cao nhưng thị trường nội địa gần như “bỏ ngỏ” cho các sản phẩm xuất xứ từ nước ngoài.

“Bỏ trống sân nhà”

Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam cho biết, Việt Nam xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang hơn 100 quốc gia với 4 thị trường chính: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản và liên minh châu Âu (EU); chiếm khoảng gần 4% thương mại đồ nội thất trên thế giới, đứng thứ 6 trên thế giới, thứ hai châu Á.

Trong vòng 10 năm trở lại đây, ngành chế biến gỗ xuất khẩu nước ta phát trển nhanh chóng, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2007-2013 gần 16%. Hiện, cả nước có hơn 3.500 doanh nghiệp sản xuất – kinh doanh gỗ, sử dụng khoảng 300.000 lao động; đã hình thành 5 trung tâm chế biến gỗ lớn. Đặc biệt, gỗ và sản phẩm gỗ là 1 trong 5 ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất Việt Nam trong năm 2013.

Tuy nhiên, cũng theo Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam, ngành chế biến gỗ hiện nay cũng vấp phải không ít khó khăn, thách thức. Đó là: giá trị gia tăng còn thấp (tỷ trọng xuất khẩu dăm còn cao); chủ yếu xuất qua nhà nhập khẩu EU mà chưa thực sự có thương hiệu của riêng mình. Không những thế, năng lực cạnh tranh còn kém do tính liên kết các doanh nghiệp còn yếu, phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu (thống kê cho thấy nguồn nguyên liệu nhập khẩu chiếm tới 40-50%). Bên cạnh đó, việc đáp ứng các quy định ngặt nghèo của thị trường quốc tế về nguồn gốc xuất xứ gỗ hợp pháp cũng là một trong những rào cản lớn của ngành. Đặc biệt, mặc dù đạt kim ngạch xuất khẩu cao nhưng các doanh nghiệp trong ngành lại đang bỏ trống thị trường nội địa.

Khac phuc hien tuong nganh go bo ngo thi truong noi dia_01Sản phẩm thủ công tinh xảo làm từ gỗ của Việt Nam (Ảnh: HNV)

Đẩy mạnh quảng bá sản phẩm gỗ tại thị trường nội địa

Việt Nam hiện nay có khoảng 1.000 làng nghề chế biến gỗ, thị trường nội địa khá lớn và có nhiều tiềm năng với dân số trên 90 triệu người và mức sống của người dân ngày càng được cải thiện nhanh. Ước tính, thị trường nội địa chiếm khoảng 40% tổng giá trị thương mại đồ gỗ Việt Nam với giá trị khoảng 2,25 tỷ USD (bình quân 31,7 USD/đầu người).

Tuy nhiên, thị trường gỗ trong nước hiện nay còn thiếu kênh phân phối, sản phẩm đồ gỗ của các làng nghề khó tiếp cận với ngay cả khách hàng Việt Nam. Trong khi kim ngạch xuất khẩu gỗ những năm gần đây có nhiều thành công vượt bậc thì thị trường nội địa lại bỏ ngỏ cho các doanh nghiệp nước ngoài, sản phẩm đồ gỗ Việt Nam bị lấn át bởi mặt hàng đồ gỗ nhập khẩu. Nguyên nhân cơ bản là do việc sản xuất và tiêu thụ đồ gỗ phần lớn là độc lập, khép kín theo phương thức bán buôn nhỏ, chưa hình thành được hệ thống phân phối sản phẩm hợp lý và định hướng tiêu dùng nội địa.

Lĩnh vực chế biến và kinh doanh các sản phẩm gỗ của Việt Nam hiện vẫn tồn tại một số hạn chế như hiệu quả sản xuất, kinh doanh thấp, sức cạnh tranh yếu; chưa có sự gắn kết chặt chẽ giữa các công ty lâm nghiệp với các doanh nghiệp chế biến gỗ; thiếu vốn, khó tiếp cận nguồn vốn, nhất là nguồn vốn vay dài hạn nhằm đổi mới công nghệ, dây chuyền thiết bị chế biễn gỗ và đầu tư nhà xưởng; số lượng và chất lượng đội ngũ lao động chưa đáp ứng nhu cầu của ngành…

Khac phuc hien tuong nganh go bo ngo thi truong noi dia_02Đồ gỗ gia dụng của Việt Nam được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới (Ảnh: Q.A)

Thực tế cũng chỉ ra, sản phẩm của các làng nghề tại Việt Nam hiện nay chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh hiện có. Các doanh nghiệp và làng nghề chế biến gỗ cần đổi mới nguyên liệu, mẫu mã sản phẩm, cải tiến hình thức cũng như các giải pháp xúc tiến thương mại để ngày càng phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, từ đó giúp đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm trên thị trường nội địa.

Do đó, để tạo đà cho lĩnh vực chế biến và kinh doanh các sản phẩm gỗ phát triển ổn định, bền vững thì cần xây dựng mô hình liên kết trong tiêu thụ sản phẩm của các làng nghề gỗ, chia sẻ thông tin thị trường, khắc phục tư duy cá thể làm ăn manh mún, nhỏ lẻ để đảm bảo nguyên tắc bình đẳng, cùng chia sẻ lợi nhuận. Có thể thấy, để đẩy mạnh xúc tiến thương mại sản phẩm chế biến gỗ tại các làng nghề, cung cấp thông tin thương mại về thị trường, sản phẩm chế biến gỗ tới hộ kinh doanh, hộ gia đình tại các làng nghề; đồng thời tạo cơ hội kết nối, giao lưu, trao đổi giữa các doanh nghiệp và hộ kinh doanh, đẩy mạnh quảng bá sản phẩm gỗ của các làng nghề tại thị trường trong nước.

[Để xem các bài viết khác có cùng chủ đề “Kênh phân phối nội địa”, vui lòng nhấn vào đây]

 

 

(Theo Báo điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam– 23/07/2014)

Bình luận hay chia sẻ thông tin
  Từ khóa của bài viết:
  Chủ đề của bài viết: