Doanh nghiệp đồ gỗ: Bỏ quên thị trường nội địa

Tháng Mười Một 28 03:56 2014

Sáng nay (9/7), tại Nam Định, Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NN & PTNT) phối hợp với Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam (Vifores) tổ chức Hội nghị xúc tiến tiếp thị sản phẩm gỗ nội địa hướng tới các làng nghề gỗ, nhằm tìm “đầu ra” cho mặt hàng này.

CôngThương – “Mải ngoại, quên nội”
Theo ông Nguyễn Mạnh Dũng, Trưởng phòng Chế biến- Cục chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối, thị trường gỗ nội địa khá tiềm năng, nhu cầu tiêu thụ đồ gỗ ngày một tăng.

Trong khi đó, số lượng các đơn vị chế biến gỗ có quy mô vừa và lớn thực hiện đầu tư khai thác thị trường nội địa lại chiếm tỷ lệ rất thấp, hầu như chỉ có các doanh nghiệp quy mô nhỏ và siêu nhỏ, cũng như các hộ chế biến thuộc các làng nghề tham gia. Ngoài ra, với khoảng 1.000 làng nghề chế biến gỗ nhưng do thiếu kênh phân phối, sản phẩm của đồ gỗ Việt Nam, nhất là đồ gỗ của các làng nghề này khó tiếp cận với ngay cả thị trường nội địa. Việc sản xuất và tiêu thụ đồ gỗ đa phần độc lập, khép kín theo kiểu bán buôn hoặc tự sản tự tiêu, chưa định hướng tiêu dùng nội địa…

images707332_langmoc_44816

Có thể dễ dàng nhận thấy rằng trong lúc kim ngạch xuất khẩu gỗ đã, đang có những bước thành công vượt bậc, đáng ghi nhận thì tại thị trường trong nước, ngành gỗ Việt Nam lại đang bị lấn át bởi hàng đồ gỗ nhập khẩu hoặc có mẫu mã nhập khẩu từ nước ngoài. Nói cách khác, doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ Việt Nam mới chỉ quan tâm đến thị trường nước ngoài mà chưa quan tâm đúng mức thị trường nội địa và đang bị “thua trên sân nhà”.

Lấy lại “thế thượng phong”
Hiện nay, một số doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu đã có những thay đổi mạnh mẽ nhằm chiếm lại “thế thượng phong” tại thị trường nội địa bằng hình thức mở các cửa hàng, siêu thị nội thất hay xây dựng mạng lưới đại lý để bán lẻ nhằm khai thác các lợi thế từ thị trường này. Dù vậy, khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp này là chưa tạo được thương hiệu sản phẩm để người tiêu dùng biết tới; chưa tạo ra được những sản phẩm có thiết kế phù hợp thị hiếu thị trường,hệ thống phân phối và giá bán hợp lý.

Ông Nguyễn Thế Trường, Trưởng phòng Phát triển nông nghiệp nông thôn (Sở NN & PTNT Nam Định) cho biết, Nam Định hiện có khoảng 300 doanh nghiệp chế biến gỗ, tập trung tại các huyện có nhiều làng nghề như: Ý Yên, Nam Trực, Hải Hậu, Xuân Trường. Tại thị trường nội địa, doanh nghiệp chưa chú trọng đến cái thị trường cần mà mới sản xuất cái doanh nghiệp có.

Một yếu tố bất ổn nữa là doanh nghiệp làng nghề cạnh tranh một cách tự phát hoặc cạnh tranh không lành mạnh, ít thấy có sự liên kết giữa các doanh nghiệp, hộ sản xuất các làng nghề gỗ trong việc tiêu thụ sản phẩm. Do đó, việc xây dựng mô hình liên kết trong tiêu thụ sản phẩm các làng nghề gỗ là hết sức cần thiết.

Để làm được việc này, các địa phương phải quy hoạch chiến lược lâu dài về xây dựng, phát triển sản xuất làng nghề trong đó có làng nghề gỗ. Nhà nước cần có chính sách khuyến khích liên kết giữa làng nghề, doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp chiếm lĩnh thị trường nội địa…

[Để xem các bài viết khác có cùng chủ đề “Kênh phân phối nội địa”, vui lòng nhấn vào đây]

 


(Theo Báo Công Thương)

Bình luận hay chia sẻ thông tin
  Từ khóa của bài viết:
  Chủ đề của bài viết: