Thị phần hàng hóa xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào EU theo GSP mới của EU

Tháng Bảy 18 03:55 2018

Ngày 31 tháng 10 năm 2012, Nghị viện châu Âu và Hội đồng châu Âu đã ban hành Quyết định số 978/2012 về Chương trình Ưu đãi thuế quan phổ cập GSP mới của châu Âu, áp dụng từ ngày 01/01/ 2014 để thay thế cho quy định GSP hiện hành. Quyết định này quy định Cơ chế trưởng thành áp dụng khi tổng nhập khẩu hàng hóa thuộc một mục của một nước vào EU theo GSP vượt quá 17,5% tổng nhập khẩu hàng hóa tương tự từ tất cả các nước đang hưởng GSP của EU trong vòng 3 năm (đối với mặt hàng dệt may là 14,5%).

Mục thuế để tính ngưỡng trưởng thành cho một quốc gia chia biểu thuế hàng hóa của EU gồm 96 chương thành 32 mục thuế đánh thứ tự từ S1 đến S20 (trong đó, nhiều mục sử dụng dạng S1a, S1b,…). Theo tính toán [1] của Bộ Công Thương dựa trên số liệu EC công bố theo các năm 2009-2011 (EC chưa công bố số liệu năm 2012), các mục mặt hàng của Việt Nam xuất khẩu sang EU được chia làm 3 nhóm:

a. Nhóm mặt hàng chắc chắn đạt ngưỡng trưởng thành

– Mục S-2c (chủ yếu là cà phê, chè và các loại gia vị): Thị phần của cà phê Việt Nam theo GSP hiện hành là 12,11%, nếu áp dụng GSP mới thị phần của cà phê Việt Nam có thể lên tới 21,68% vượt ngưỡng trưởng thành;

– Mục S-1b (chủ yếu là thủy sản): Thị phần xuất khẩu thủy sản vào EU của Việt Nam theo GSP trong 3 năm 2009-2011 chiếm 9,89%; thị phần này có thể sẽ tăng lên 19,01% sau khi GSP mới có hiệu lực, vượt ngưỡng trưởng thành.

– Giày dép của Việt Nam vừa được EU cho hưởng lại GSP nhưng sau khi Trung Quốc không được hưởng GSP, thị phần nhóm hàng này đạt 34%, vượt ngưỡng trưởng thành.

b. Nhóm mặt hàng có nguy cơ chạm ngưỡng trưởng thành hoặc bị tự vệ

– Mục S-7a (Nhựa): Thị phần xuất khẩu nhựa vào EU của Việt Nam theo GSP hiện nay chiếm 5,72%, sau khi áp dụng GSP mới thị phần nhựa của Việt Nam chiếm 16,04% và có nguy cơ chạm ngưỡng trưởng thành 17,5% nếu các doanh nghiệp gia tăng xuất khẩu nhựa vào EU;

– Mục S-11b (Quần áo và hàng may mặc): Thị phần hàng quần áo và may mặc Việt Nam vào EU theo GSP hiện hành là 7,46%, khi GSP mới có hiệu lực thị phần tăng lên 10,5%. Thị phần tăng không đáng kể vì theo GSP hiện hành hai nước lớn xuất khẩu dệt may vào EU là Trung Quốc và Ấn Độ không được hưởng ưu đãi GSP, đồng thời theo GSP mới hàng dệt may của Trung Quốc và Ấn Độ tiếp tục bị coi là trưởng thành. Tuy nhiên, mức tăng trưởng xuất khẩu dệt may của Việt Nam vào EU năm 2011 lại đạt 19%, nghĩa là có khả năng rơi vào ngưỡng tự vệ trong GSP.

c. Nhóm mặt hàng có khả năng hưởng ưu đãi ổn định

– Mục S-9a (Gỗ và than từ gỗ): Thị phần xuất khẩu đồ gỗ vào EU theo GSP hiện hành là 1,39%; khi áp dụng GSP mới, một số nước không được hưởng ưu đãi GSP nữa thì thị phần đồ gỗ Việt Nam vào EU là 3,92%;

+ Mục S-11a (Nguyên liệu dệt): Thị phần nguyên liệu dệt Việt Nam vào EU hiện nay là 2,43%, trong tương lai khi GSP mới có hiệu liệu thị phần hàng hóa này tăng lên 3,89%. Như vậy Việt Nam hoàn toàn có thể thúc đẩy đưa nguyên liệu dệt xuất khẩu sang EU.

+ Mục S16 (hàng điện tử – kể cả điện thoại – mặt hàng kim ngạch hiện tại tăng trưởng rất lớn): Thị phần hàng Việt Nam vào EU sau khi GSP có hiệu lực là 3,38%.

+ Các nhóm hàng còn lại (không có tên nêu trên): Mức độ xuất khẩu của Việt Nam vào EU không lớn, hoặc thị phần thấp.

[1] Nghiên cứu này chưa thể bóc tách phần kim ngạch không sử dụng ưu đãi GSP trong cùng một mặt hàng từ những nước được hưởng GSP (ví dụ trong tổng kim ngạch cà phê EU nhập khẩu từ các nước được hưởng GSP, có những phần là được hưởng ưu đãi theo GSP, có những phần là không đáp ứng quy định CO của GSP nên không được hưởng ưu đãi,…).

[Để xem các bài viết khác có cùng chủ đề “Thị trường EU”, vui lòng nhấn vào đây]

(Theo VCCI – 12/2012)

Bình luận hay chia sẻ thông tin
  Từ khóa của bài viết:
  Chủ đề của bài viết: