Tình hình mặt hàng gỗ, đồ gỗ ở Đức nửa đầu năm 2012

Tháng Bảy 18 03:55 2018

Theo báo cáo tổng kết tình hình kinh tế ngành Gỗ của Hiệp hội công nghiệp gỗ và đồ gỗ Đức, hiện nay Đức có 523 doanh nghiệp sản xuất gỗ và hàng gỗ với quy mô tại mỗi doanh nghiệp có từ 50 người lao động trở lên. Tổng số người lao động làm việc trong ngành công nghiệp gỗ CHLB Đức khoảng 89.055 người. Doanh thu của toàn ngành năm 2011 đạt trị giá 32,8 tỷ Euro, vượt so với năm trước 7,8%.

Khu nhà mái gỗ lớn nhất thế giới dựng tại hội chợ EXPO 2000 ở Hanover

Xuất khẩu gỗ và hàng gỗ của Đức đạt 9 tỷ Euro năm 2011, tăng 11% so với năm 2010.

Trong năm 2011 Đức đã nhập khẩu gỗ và đồ gỗ chủ yếu từ Ba Lan với kim ngạch 2,1 tỷ Euro (tăng 7,6% so với năm trước). Ngoài ra, Đức cũng nhập khẩu nhiều đồ gỗ phục vụ nhu cầu trong nước từ Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Việt Nam và các nước khác. Trung Quốc là nước xuất khẩu hàng gỗ vào Đức đứng ở vị trí thứ hai sau Ba Lan với kim ngạch tăng 10% và hàng gỗ từ Việt Nam vào Đức tăng 16% so với năm trước.

Cục thống kê CHLB Đức (Destatis) thông báo số liệu tính đến hết 6 tháng đầu năm 2012, tổng doanh thu hàng gỗ của Đức tại thị trường trong nước tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước, và tại thị trường ngoài nước Đức tăng 4,6%.

Mặc dù nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng kinh tế và nợ công đang diễn ra tại nhiều nước ở châu Âu, nhưng xuất khẩu đồ gỗ của Đức sang các nước ở châu lục này vẫn khả quan. Xuất khẩu ra thị trường các nước EU mặt hàng gỗ và đồ gỗ vượt so với cùng kỳ năm trước 1,2%.

Các thị trường nhập khẩu hàng gỗ chủ yếu của Đức là Pháp, Thụy Sỹ, Áo và Hà Lan; ngoài ra, Anh và Trung Quốc cũng là những nước nhập khẩu nhiều đồ gỗ từ Đức.

Ông Elmar Duffner, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp gỗ và đồ gỗ Đức dự báo doanh thu của ngành công nghiệp sản xuất gỗ và hàng gỗ Đức sẽ tăng 3% so với năm trước. Theo đó, tiếp tục mở rộng việc xuất khẩu hàng gỗ sang các nước ở Đông Âu và các nước ở châu Á, đồng thời cũng tăng cường nhập khẩu hàng gỗ vào Đức, tăng 9% từ các nước ở châu Á.

Đức hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam ở châu Âu, chiếm 19% xuất khẩu của Việt Nam sang Liên minh châu Âu (EU) và là  cửa ngõ trung chuyển quan trọng của hàng hóa Việt Nam sang các thị trường khác ở châu Âu.

[Để xem các bài viết khác có cùng chủ đề “Thị trường Đức”, vui lòng nhấn vào đây]

Lê Dũng Triều – Vụ Thị trường châu Âu

(Nguồn: ttnn.com.vn – 12/2012)

Bình luận hay chia sẻ thông tin