Người đàn ông đứng sau thiết kế “chinh phục thế giới” – Flat-Pack của IKEA

Tháng Tám 24 11:00 2021

Gillis Lundgren được biết đến là người đã thiết kế logo, hơn 200 sản phẩm và mô hình kinh doanh Flat-Pack hay còn gọi là “đóng gói phẳng” của IKEA, đã qua đời năm 2016 ở tuổi 86.

Theo thời báo Washington, mặc dù Gillis Lundgren là một trong những nhà thiết kế lừng danh nhất thế kỷ 20. Nhưng có thể là bạn chưa từng nghe đến tên của ông ấy!

Lundgren là người thiết kế ra logo của Ikea, tuy vậy, đây không phải là điều duy nhất mà bạn nên biết về ông ấy. Chiếc tủ sách Billy theo phong cách tối giản mà Ikea sản xuất với một tốc độ đáng kinh ngạc – 15 sản phẩm mỗi phút, cũng chính là tác phẩm của ông. Trong suốt con đường sự nghiệp hơn 60 năm, vị cựu giám đốc thiết này đã tạo ra hơn 200 mẫu thiết kế cho Ikea.

Tuy nhiên, điều khiến Lundgren giành được danh hiệu là một trong những nhà thiết kế lừng danh nhất của thế kỷ 20, là việc ông chính là người tiên phong trong việc thiết kế nội thất đóng gói phẳng – Flat-Pack hay RTA (ready-to-assemble). Thật không hề phóng đại khi kết luận đây chính là sự đổi mới mang tính đột phá trong lĩnh vực kinh doanh đồ nội thất lúc bấy giờ. 

Năm 1943, khi chỉ mới 17 tuổi, Ingvar Kamprad đã thành lập công ty IKEA – và bắt đầu kinh doanh mặt hàng bút và tất được đặt hàng qua đường bưu điện. Đến năm 1948, công ty bắt đầu chuyển sang bán đồ nội thất, nhưng đó không phải là loại nội thất mà Ikea bán ngày nay. Thay vào đó, Kamprad đã bán bàn, ghế, v.v. được sản xuất và lắp ráp trong nước. Đến năm 1951, Kamprad đã đưa tất cả những danh mục sản phẩm của công ty ông vào một cuốn catalog và tiếp tục bán những món nội thất này qua đường bưu điện. Tuy nhiên, do đặc thù của những món đồ nội thất rất nặng và cồng kềnh nên đã dẫn đến chi phí vận chuyển vô cùng tốn kém và gây khó khăn trong quá trình vận chuyển.

Năm 1953, sau khi hoàn tất chương trình học tại trường cao đẳng kỹ thuật Malmo, Lundgren đã gia nhập IKEA với vai trò quản lý danh mục sản phẩm. Ba năm sau, ông được giao nhiệm vụ vận chuyển một cái bàn hình chiếc lá có tên là Lovet cho một studio gần đó để chụp hình cho cuốn catalog sắp ra mắt. Nhưng ông đã thất bại khi cố gắng lắp chiếc bàn vào chiếc xe nhỏ thời hậu chiến của mình. Ông từng nói: “Khi tôi xem xét làm thế nào để có thể giữ được một số lượng lớn những chiếc bàn này với mức giá thấp, tôi đã nghĩ: Tại sao không gỡ bỏ những cái chân bàn này đi?”.

Lundgren luôn phủ nhận việc mình người phát minh ra nội thất đóng gói phẳng – Flat-Pack furniture, mà ông chỉ là người phổ biến mô hình kinh doanh này. Bởi vì, người thật sự phát minh ra chính là Fiolke Ohlsson – người Thụy Điển, đã được cấp bằng sáng chế cho một chiếc ghế có thể lắp ráp vào năm 1949. Lundgren đã luôn là người ủng hộ hết mình cho những món nội thất đóng gói phẳng, và ông đã sớm thuyết phục được Kamprad để biến đồ nội thất đóng gói phẳng trở thành nền tảng trong mô hình kinh doanh của nhà sản xuất non trẻ này. 

Việc định hướng theo mô hình kinh doanh “đóng gói phẳng” này đã biến IKEA từ một doanh nghiệp nhỏ ở vùng nông thôn Thụy Điển, trở thành một đế chế đa quốc gia với doanh thu trung bình hơn 30 tỷ đô la mỗi năm.

Đầu tiên, mô hình này làm cho đồ nội thất của Ikea có giá cả phải chăng hơn so với các đối thủ cạnh tranh, vì công ty đã giảm bớt quy trình lắp ráp ngay tại nhà máy và chuyển phần việc này cho người mua. Điều đó cũng đồng nghĩa là các cửa hàng IKEA có thể chứa được nhiều đồ nội thất trong kho hơn so với các đối thủ của họ, vì chỉ những sản phẩm trưng bày mới cần được lắp ráp hoàn chỉnh.

Ngoài ra, mô hình này còn giúp đồ nội thất Ikea vận chuyển dễ dàng hơn với số lượng lớn. Ikea có thể vận chuyển số lượng bàn hoặc tủ sách gấp 10 lần so với các đối thủ, mà chỉ với lượng nhiên liệu gần như tương đương.

Cuối cùng, mô hình này còn vô tình khuyến khích các nhà thiết kế của Ikea bấy giờ theo đuổi phong cách thẩm mỹ nội thất tối giản và gọn gàng mà công ty vẫn tiếp tục duy trì cho đến ngày nay. Liệu cái gọi là thiết kế Thụy Điển có thực sự giống như ngày nay nếu không vì mô hình đóng gói phẳng?

Ngày nay, mọi người đều biết đến những thành tựu của Lundgren, ngay cả khi họ không hề biết tên của ông ấy. Xu hướng đóng gói phẳng/ lắp ráp không chỉ được áp dụng rất thành công trong lĩnh vực thiết kế nội thất, mà còn trong lĩnh vực kiến trúc, cứu trợ thiên tai, sản phẩm thể thao, và nhiều hơn nữa. Thậm chí còn có các trò chơi điện tử về đóng gói phẳng!. Những di sản về thiết kế này thật không tồi chút nào đối với người đàn ông chỉ muốn đặt vừa chiếc bàn vào cốp xe hơi!

Một số tin bài liên quan đến chủ đề này đã đăng tải tại Nhadep có địa chỉ như dưới đây:

Cách IKEA tiết kiệm hàng triệu đô la thông qua việc tối ưu hóa bao bì đóng gói
www.nhadep.net/cach-ikea-tiet-kiem-hang-trieu-do-la-thong-qua-viec-toi-uu-hoa-bao-bi-dong-goi/

Giải pháp đóng gói sản phẩm của IKEA – Think outside the box
www.nhadep.net/think-outside-the-box/

Đồ gỗ sẵn sàng để tự lắp ráp RTA – Xu hướng mà các nhà sản xuất đồ gỗ nên chú ý
www.nhadep.net/do-go-san-sang-de-tu-lap-rap-rta-xu-huong-ma-cac-nha-san-xuat-do-go-nen-chu-y/

Sự độc đáo của nội thất đóng gói phẳng từ tính!
www.nhadep.net/su-doc-dao-cua-noi-that-dong-goi-phang-tu-tinh/

Đồ gỗ RTA là gì?
www.nhadep.net/do-go-rta-la-gi/

(còn tiếp)

 

(Nguồn: Fast Company)

Bình luận hay chia sẻ thông tin