Tòa tháp trung tâm Sequis tại Indonesia

Tháng Tư 08 08:30 2021

Kohn Pedersen Fox Associates (KPF) là nhà đầu tư của dự án xây dựng tòa nhà LEED Platinum đầu tiên tại Indonesia – The Sequis Centre Tower. Được đặt tại trung tâm thủ đô Jakarta, được thiết kế để trở thành một tòa tháp đặc trưng của thành phố, bao gồm nhiều không gian dành cho văn phòng, cùng với các nhà hàng, cơ sở y tế, cửa hàng bán lẻ và nhiều chức năng khác.

Hãy khám phá từng chi tiết của hình ảnh trong bài viết
bằng cách nhấn vào ảnh để xem ở chế độ chất lượng cao

Theo ý kiến của kiến trúc sư: Tọa lạc tại trung tâm thủ đô Jakarta, tiếp giáp với Khu liên hợp thể thao Gelora Bung Karno, Khu thương mại trung tâm mới Surdiman đã và đang trở thành một trong những khu đô thị phát triển mới và quan trọng nhất của thành phố. Thiết kế của Tháp trung tâm Sequis được xây dựng dựa trên các khuôn mẫu về môi trường, văn hóa và xã hội, vừa là sự tái hiện của một tòa tháp văn phòng điển hình, đồng thời cũng là một mô hình đô thị mới ở Jakarta. Khác biệt đối với những tòa nhà nghiêng hoàn toàn làm từ kính thường thấy ở Jakarta, dự án này được ví như một cây đa, “mọc lên tự nhiên từ mặt đất với một loạt các yếu tố nhỏ bên trong, với điểm nhấn là đỉnh tháp được chia làm nhiều khối nhỏ như được bó lại với nhau giúp tạo bóng râm cho khu vực chân tháp”, lời giới thiệu của Robert Whitlock, Giám đốc thiết kế của KPF, AIA.

Tòa tháp bao gồm nhiều khu chức năng bổ sung cho nhau, giống như một cộng đồng thu nhỏ, bao gồm nhiều không gian văn phòng, khu điều hành, sàn thương mại, của hàng bán lẻ, nhà hàng, phòng hội nghị, trung tâm chăm sóc sức khỏe nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng các tiện ích này của mọi người. “Để đáp ứng cho công năng đa dạng, công trình được chia nhỏ từ một tòa tháp chính thành bốn tòa tháp nhỏ hơn có dạng ống được bó lại với nhau và có chiều cao khác nhau. Theo tinh thần của cảnh quan địa phương, xuất hiện tự nhiên tại cùng một địa điểm”. Nhà thiết kế cấp cao kiêm giám đốc KPF Jeffrey Kenoff, AIA giải thích.

Diện tích của tòa tháp tăng dần từ đỉnh xuống đáy, làm tăng vẻ ngoài thẳng đứng của tòa tháp và tạo ra sự ổn định trong cấu trúc. Ở đỉnh của mỗi tháp được thiết kế một khu vườn xanh mát, chiều cao của mỗi tháp khác nhau tạo thành nhiều khu vườn lớn trên cao nhìn ra thành phố. Trong khi đó, phần đế tháp được mở rộng ra bên ngoài giúp tăng diện tích cho khu vực văn phòng và tăng sự thông thoáng cho con đường dành cho người đi bộ đi qua khu vực này.

Khác với mô hình khu trung tâm thương mại tiêu chuẩn ở Jakarta, khi giao thông và bãi đậu xe chiếm lối đi dành cho người đi bộ, cơ sở hạ tầng dành cho xe cộ và giao thông tại chỗ của tòa tháp Sequis được đặt chìm bên dưới mặt đất. Thiết kế này giúp có thêm không gian dành cho cây xanh và lối đi cho người đi bộ, giúp các phố đi bộ xung quanh tòa tháp kết nối được đến các địa điểm lân cận.

Kenoff nói thêm, “Bãi đậu xe được xây dựng phía trên không gian công cộng bằng sàn di động giúp mở rộng không gian và hoạt động ở một số tầng dành cho người đi bộ”. Sàn di động (The hovering deck) không chỉ giúp loại bỏ các bức tường trống, nó còn tăng cường an ninh của tòa nhà thông qua tính minh bạch và sử dụng – một thách thức đáng kể đối với các tòa nhà văn phòng ở Jakarta. Tòa nhà có kiến trúc hết sức độc đáo khi có 2 khoảng không gian ngoài trời với rất nhiều cây xanh và được bố trí thêm ghế ngồi, dù…, hứa hẹn sẽ là một khu vực thư giãn lý tưởng ngoài trời.

Công trình đã nhận được giải thưởng MIPIM Asia, là tòa nhà LEED Platinum đầu tiên tại Indonesia. Theo trưởng nhóm thiết kế Andy Vann, “Nhiều phương pháp thi công bền vững đã được sử dụng trong suốt quá trình thiết kế tòa tháp – đặc biệt là phần bên ngoài của tòa nhà”. Sự phân lớp của các tấm chắn sáng được bố trí trên tường rèm hai bên của tháp được tối ưu hóa để bù đắp cho mức bức xạ mặt trời ở phía mặt tiền. Các hệ thống hạ tầng sử dụng trong tháp có hiệu quả cao và việc sử dụng các vật liệu tái chế có nguồn gốc địa phương giúp giảm lượng năng lượng tiêu thụ. Ngoài ra, thảm thực vật bên trong và ngoài tòa tháp, cùng với các khu vườn trên đỉnh tháp được dùng để trang trí cảnh quan khu vực và được tưới nước tự động bằng hệ thống giữ nước mưa sử dụng tại chỗ.

Ngoài tác dụng tiết kiệm không gian tại đô thị lớn, bổ sung không gian xanh cho mọi người, tòa tháp trung tâm Sequis còn là một điểm nhấn kiến trúc độc đáo tại thủ đô Jakarta.

[Để xem các bài viết khác có cùng chủ đề “công trình công cộng”, vui lòng nhấn vào đây]

 

(Nguồn: Archdaily)

Bình luận hay chia sẻ thông tin