Doanh nghiệp gỗ Việt Nam bị thôn tính trên sân nhà

Tháng Mười Một 22 03:56 2014

Doanh nghiệp (DN) gỗ tại TP HCM và Bình Dương đang rất lo lắng việc các DN gỗ nước ngoài, chủ yếu là Trung Quốc (TQ) đang tăng cường đầu tư sang Việt Nam (VN).

Bà Đỗ Thị Loan – Phó Chủ tịch Hiệp hội gỗ Bình Dương (Bifa) cho biết các DN gỗ Việt Nam đang đứng trước nguy cơ bị lấn át và thôn tính. Một dẫn chứng ngay chính công ty của mình, Bà Loan cho biết mới đây, công ty bà đã được một công ty TQ đề nghị sang nhượng lại cổ phần với giá rất cao.

3ecbithontinhtrensan13b1Chế biến gỗ XK tại Tập đoàn Trường Thành

Lý giải nguyên nhân các DN TQ tăng mạnh đầu tư vào VN, theo bà Loan là theo thông tin từ một số khách hàng bên Mỹ, dự kiến đồ gỗ TQ từ đầu năm 2011 bị đánh thuế chống bán phá giá có thể lên đến 200%. Do vậy các DN TQ chọn giải pháp đầu tư sang nước thứ 3 với mục đích cao nhất là lấy C/O (nguồn gốc) hàng từ các nước này XK sang Mỹ để “lách thuế chống bán phá giá”. Tuy nhiên, DN gỗ TQ thích đầu tư VN nhất do ngành gỗ VN đã phát triển, lực lượng lao động lành nghề đủ khả năng làm hàng chất lượng cao.

Ông Nguyễn Chiến Thắng- Chủ tịch Hiệp hội gỗ TP HCM (Hawa) cũng đồng tình với lo lắng của bà Loan. Ông Thắng cho biết hiện tượng DN gỗ nước ngoài, mà cụ thể nhiều nhất là DN gỗ Đài Loan vốn đã đầu tư vào VN từ nhiều năm trước lập nhà máy chế biến gỗ XK. Tuy nhiên, từ đầu năm 2010 có hiện tượng các DN TQ mua tranh nguyên liệu tại VN với giá cao (“Nguy cơ thiếu nguyên liệu gỗ”, Báo DĐDN- ngày 25/6/2010), và hiện đang tích cực đầu tư sâu vào VN. Việc áp thuế chống bán phá giá của Mỹ đối với đồ gỗ TQ đã thực hiện từ nhiều năm nay, tùy theo mỗi DN mà có mức áp thuế khác nhau.

Theo bà Loan, tính riêng từ đầu năm 2010 cho đến nay, công nghiệp chế biến gỗ của VN đã tăng trưởng 30% so cùng kỳ, trong đó các DN trong nước chỉ tăng trưởng 10%, còn lại 20% là tăng trưởng của các DN có vốn nước ngoài. Số liệu trên cho thấy thị phần và sức mạnh của các DN gỗ nước ngoài mà chủ yếu là các DN Đài Loan đang lấn át DN VN. Họ luôn chiếm ưu thế đầu vào, đầu ra cũng như về vốn, do thực chất hoạt động của họ là công ty con ở VN, chủ yếu gia công gửi về công ty mẹ ở nước ngoài tiêu thụ. Trong khi đó, các DN VN vốn yếu về tài chính, lại đang gặp hàng loạt khó khăn về vốn và tỷ giá ngoại tệ. Một khó khăn khác, trong tình hình lao động của ngành gỗ đang thiếu trầm trọng thì việc tăng đầu tư của DN gỗ TQ sang VN sẽ gây tình trạng “giành giựt nhân công”.

Bà Loan kiến nghị Nhà nước nên hỗ trợ nhiều hơn về chính sách vĩ mô cho DN trong nước. Bởi nếu không, có thể DN VN bị vạ lây về thuế chống bán phá giá.

[Để xem các bài viết khác có cùng chủ đề “Kênh phân phối nội địa”, vui lòng nhấn vào đây]


(Theo Diễn đàn doanh nghiệp – 13/12/2010)

Bình luận hay chia sẻ thông tin
  Từ khóa của bài viết:
  Chủ đề của bài viết: